(ĐTTC) - Dưới áp lực quốc tế, Thủ tướng Hy Lạp hôm 3-10 đã từ bỏ kế hoạch trưng cầu dân ý về thỏa thuận ứng cứu cho cuộc khủng hoảng nợ của đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng George Papandreou (ảnh) cũng buộc các đối thủ chính trị rút lại phản đối đối với việc gia tăng cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế đi kèm trong gói ứng cứu chủ yếu đến từ Đức và các nước châu Âu khác.
“Chúng ta có 2 vấn đề song song: Đồng lòng hoặc trưng cầu dân ý”, ông nói sau khi họp với nội các. “Thất bại trong việc ủng hộ gói ứng cứu có nghĩa sẽ khởi đầu cho việc rời bỏ EUR. Nhưng nếu chúng ta đồng lòng, chúng ta không cần một cuộc trưng cầu dân ý”.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nói họ cảm thấy sốc khi Thủ tướng Papandreou tuyên bố ông sẽ đưa thỏa thuận ứng cứu mới nhất của châu Âu với Hy Lạp vào một cuộc trưng cầu dân ý, chỉ vài ngày sau khi ông đồng ý một thỏa thuận với giới lãnh đạo châu Âu.
Các khảo sát cho thấy kế hoạch ứng cứu không được lòng dân Hy Lạp, để đổi lấy việc ứng cứu tài chính, Hy Lạp phải cắt giảm hàng nghìn việc làm khối nhà nước và tăng thuế để giảm thâm hụt ngân sách, đồng thời gia tăng quyền lực cho các thành tra tài chính của châu Âu.
Một số nhà phân tích ngờ rằng Papandreou dọa trưng cầu dân ý để buộc các đối thủ chính trị phải cũng “chia sẻ sự giận dữ” của cử tri đối với các kế hoạch ứng cứu. Ông chỉ đồng ý hủy trưng cầu dân ý sau khi đảng đối lập nói họ sẽ ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu như kế hoạch ứng cứu.
“Có lẽ ông không bao giờ định trưng cầu dân ý, nhưng ông muốn đạt được sự ủng hộ trong quốc hội”, theo Carsten Brzeski, Kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính ING ở Brussels.
Nếu thỏa thuận ứng cứu bị thất bại trong trưng cầu dân ý, Hy Lạp có thể bị buộc ra khỏi khối đồng tiền chung và tuyên bố vỡ nợ, châm ngòi cho một đợt thua lỗ lớn của các NH châu Âu và các trái chủ của Hy Lạp.
Những người dân thường Hy Lạp cho rằng gói ứng cứu chỉ hỗ trợ các ngân hàng và chính trị gia chứ không có ích gì cho họ. Không có điều khoản nào trong gói ứng cứu nhắm đến việc cải thiện nền kinh tế đang suy sụp nơi thất nghiệp lên đến 16%.
Sự hỗn loạn chính trị vẫn chưa chấm dứt. Một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Chính phủ Hy Lạp sẽ được thực hiện vào ngày 4-11. Nếu đảng Xã hội cầm quyền bị đánh bại, Tổng thống Karolos Papoulias có thể cố thành lập một chính phủ mới với một Thủ tướng mới hoặc mời các đảng đối lập thành lập chính phủ.
Một số nhà phân tích tin rằng nếu Quốc hội Hy Lạp ủng hộ gói ứng cứu, họ chỉ làm chậm lại một cuộc vỡ nợ không tránh khỏi. Và lại đến lượt Italia, nơi có núi nợ quá lớn để có thể ứng cứu.