Mức thuế trong quyết định sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần 9 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) với cá tra xuất khẩu từ Việt Nam đang vấp phải nhiều phản đối. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).
PHÓNG VIÊN: - Xin ông cho biết quan điểm của Vasep trước quyết định sơ bộ của DOC?
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE: - Ngày 4-9-2013, DOC đã có thông báo về quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9), giai đoạn từ 1-8-2011 đến 31-7-2012, thuế CBPG phi lê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Theo đó, thuế CBPG cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam trong quyết định sơ bộ của POR9 cho 2 DN bị đơn bắt buộc là 0,42USD/kg và 2,15USD/kg và cho các DN bị đơn tự nguyện là 0,99USD/kg. Vasep rất bất bình trước việc DOC đột ngột thay đổi cách chọn quốc gia thay thế, đồng thời phản đối mức thuế trong quyết định sơ bộ cho đợt xem xét hành chính thuế CBPG lần 9 của DOC.
Trước đó, VASEP cùng các DN xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đã khiếu kiện phán quyết cuối cùng POR8 của DOC lên Tòa Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (US CIT), yêu cầu xem xét tính chính xác trong các tính toán của DOC, buộc DOC phải lựa chọn lại quốc gia thay thế hợp lý hơn và tính toán lại mức thuế.
CIT đã chấp nhận đơn khởi kiện và yêu cầu Hải quan Hoa Kỳ tạm dừng không thu thuế CBPG của các DN theo kết luận cuối cùng của POR8 cho tới khi có phán quyết cuối cùng của tòa án này.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Agrifish. |
Quyết định chọn Indonesia làm quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam đã dẫn đến mức thuế CBPG trong quyết định sơ bộ lần này tăng cao một cách vô lý. Trong các đợt xem xét hành chính trước đó, chính DOC đã liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam, vì quốc gia này không có đầy đủ dữ liệu về giá và thiếu các thông số cơ bản về tài chính.
Hơn nữa, Indonesia thực tế chỉ là nước nhập khẩu ròng phi lê cá tra đông lạnh từ Việt Nam, mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới. Thậm chí, quyết định chọn Indonesia làm quốc gia thay thế đã mâu thuẫn với chính quyết định của DOC trước đó vào ngày 8-11-2012 khi công bố danh sách 6 quốc gia sẽ được sử dụng làm nước thay thế để tính toán mức thuế CBPG cho POR9, trong đó không có Indonesia. Chính DOC đã thừa nhận Indonesia không có sự “tương đồng về điều kiện kinh tế” với Việt Nam đối với hơn một nửa số tiêu chí của POR.
- Chúng ta có thể hy vọng vào quyết định cuối cùng được đưa ra vào tháng 3 năm sau, thưa ông?
- Hiện nay DN, hiệp hội và các luật sư đang nỗ lực làm việc nhằm đưa ra những lập luận đầy đủ yêu cầu DOC phải thực hiện nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam trong quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 và 9 như các năm trước đây. Bangladesh là nước sản xuất cá tra thương phẩm và nuôi trong ao như Việt Nam, chi phí sản xuất và doanh thu của người nuôi cá tra ở Việt Nam và Bangladesh tương đương nhau.
Chính vì vậy, không có lý do nào để Indonesia trở thành nước thay thế hoặc dữ liệu của nước này được coi là đáng tin cậy hơn trong đợt xem xét hành chính lần này cũng như trong quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 vừa qua. Vasep cũng như các DN đặt nhiều kỳ vọng vào quyết định cuối cùng này.
- Có ý kiến cho rằng việc Hoa Kỳ áp thuế CBPG một phần do sự cạnh tranh về giá của DN Việt Nam? Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
- Cá tra đúng là một sản phẩm tương đối độc đáo của Việt Nam, chúng ta cũng là nước sản xuất, chế biến và xuất khẩu nhiều nhất. Tuy nhiên, việc có quá nhiều đầu mối xuất khẩu cũng là một khó khăn cho Việt Nam. Hiện tượng giảm chất lượng để giảm giá thành khi xuất khẩu và đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng được Vasep nhiều lần cảnh báo.
Và về lâu dài chúng ta sẽ phải có những giải pháp để xác định lượng cung ra thị trường cân đối hơn, giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu, nhất là trong những lúc sức mua thị trường yếu còn DN lại chưa chủ động được vùng nuôi.
- Xin cảm ơn ông.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng về mức thuế CBPG tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ giai đoạn từ ngày 1-2-2011 đến 31-1-2012. Trong quyết định này, DOC đã công nhận toàn bộ 33 DN xuất khẩu tôm Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 (POR7) đều không bán phá giá tôm trên trên thị trường Hoa Kỳ. Do đó, 33 doanh nghiệp đều nhận mức thuế 0%. Trước đó, năm 2004, tôm Việt Nam chính thức bị Hoa Kỳ áp thuế CBPG với mức 4,57% cho các DN tham gia xem xét hành chính lần thứ nhất (từ 16-7-2004 đến 31-1-2006). Từ năm 2004 đến nay, qua 7 đợt rà soát cùng với nỗ lực của các DN tham gia theo đuổi vụ kiện, đến nay DOC lần đầu tiên thừa nhận DN xuất khẩu tôm Việt Nam không bán phá giá và quyết định mức thuế 0% cho tất cả DN xuất khẩu tôm Việt Nam tham gia xem xét hành chính thuế CBPG. |