Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo khủng hoảng nợ châu Âu có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào “thập kỷ mất mát” và việc chia sẻ gánh nặng khôi phục đà tăng trưởng và niềm tin sẽ phụ thuộc vào các quốc gia giàu có.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde |
Trong một diễn đàn tài chính tại Bắc Kinh, bà Christine Lagarde cho biết kế hoạch tăng cường gói giải cứu Hy Lạp của châu Âu là một biện pháp đúng hướng nhưng triển vọng kinh tế thế giới vẫn còn đầy rẫy nguy hiểm và bất ổn.
Bà nói: “Phán đoán của chúng tôi là nếu chúng tôi không có biện pháp mạnh và không phối hợp hành động, nền kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của sự bất ổn, mất ổn định tài chính và khả năng suy sụp của nhu cầu toàn cầu. Chúng ta có thể đối mặt với rủi ro mà một số nhà bình luận gọi là thập kỷ mất mát”.
Trong chuyến viếng thăm hai ngày đến Trung Quốc, bà Lagarde sẽ tập trung vào các nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng nợ tại châu Âu.
Cuộc khủng hoảng này vừa chứng kiến sự từ chức của thủ tướng hai nước Hy Lạp và Italia trong tuần qua. Trước đó, bà đã có hai ngày tại Nga để thuyết phục nước này tham gia vào kế hoạch gia tăng quy mô quỹ giải cứu Eurozone.
Các nhà làm chính sách châu Âu kỳ vọng rằng một số nền kinh tế lớn, dẫn đầu là Trung Quốc, sẽ đầu tư một phần trong kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình để mở rộng quỹ giải cứu nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ khu vực.
Tuy nhiên cho đến nay, các quốc gia thuộc nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đều bày tỏ sự lưỡng lự trong việc đầu tư trực tiếp vào công cụ giải cứu của châu Âu và thích đóng góp thông qua IMF.