Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo sự leo thang của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có thể châm ngòi cho làn sóng bán tháo các tài sản của châu Á, buộc các ngân hàng nước ngoài cắt giảm cho vay đối với khu vực và khiến các thị trường tiền tệ sụp đổ.
Trong báo cáo công bố ngày 13-10, IMF cho rằng đà tăng trưởng của châu Á đã giảm tốc kể từ quý II-1011. Theo đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của khu vực từ mức ước tính 6.8% trong tháng 4 xuống 6.3% và năm 2012 từ 6.9% xuống 6.7%.
Tổ chức này cho biết áp lực lạm phát trên khắp châu Á vẫn còn cao và các điều kiện thị trường tài chính tại hầu hết các quốc gia khu vực vẫn còn thích hợp. Theo IMF, lạm phát tại khu vực có thể chạm đỉnh trong nửa sau năm 2011 và suy yếu dần trong năm 2012.
“Sự leo thang của các khó khăn tài chính tại Eurozone và đà suy giảm của nền kinh tế Hoa Kỳ có thể gây ra những tác động nghiêm trọng về mặt tài chính và vĩ mô đối với châu Á. Kể từ năm 2009, nhà đầu tư từ các nền kinh tế phát triển đã đổ tiền vào các thị trường châu Á. Sự rút vốn đột ngột có thể dẫn đến sự sụp đổ về niềm tin và tác động xấu đến tất cả các thị trường từ trái phiếu, cổ phiếu đến tiền tệ và các thị trường khác” - IMF cho biết trong báo cáo.
Rủi ro xảy ra suy thoái toàn cầu đã khiến các quan chức châu Á từ Trung Quốc cho đến Indonesia đều tăng cường áp dụng các biện pháp tài chính hoặc giảm chi phí vay mượn để bảo vệ đà tăng trưởng. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương lao dốc 16% trong quý 3, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 và IMF nhận định trong báo cáo rằng đà bán tháo hoảng loạn trong khu vực cho thấy không còn nơi nào để trú ẩn khi các quốc gia phát triển lâm vào tình cảnh khó khăn.
Theo IMF, các ngân hàng nước ngoài có thể bán tháo tài sản châu Á, cắt giảm hạn mức tín dụng đối với khu vực và tránh việc đáo nợ nếu bị thua lỗ nặng tại thị trường nội địa. Tình trạng này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến các nền kinh tế có mối liên quan chặt chẽ với các ngân hàng Hoa Kỳ và châu Âu.
IMF cho rằng các nền kinh tế khu vực vẫn còn khả năng hạn chế tác động của sự giảm tốc tăng trưởng. Các nhà làm chính sách cũng có thể cho phép đồng tiền linh hoạt hơn để quản lý tốt dòng vốn.