Internet không tách rời đời sống kinh tế

(ĐTTCO) - Sau 20 năm kết nối, internet đã làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực, đời sống ở Việt Nam, từ kinh tế - xã hội, đến an ninh - quốc phòng, cho đến giáo dục - đào tạo, giải trí, giao thông - vận tải… Vậy 20 năm tới sẽ ra sao? 
Internet không tách rời đời sống kinh tế
Thị trường intenet Việt Nam cần những gì để tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ, theo kịp xu thế công nghệ của thế giới?
Theo số liệu thống kê đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á.
“So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng” - Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nhận định.
Cùng với thành tựu của các DN hạ tầng internet như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, Việt Nam cũng đã có nhiều DN nội dung số lớn như VTC, VNG, VC Corp… Các DN này không chỉ có chỗ đứng vững vàng trong nước mà đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Theo Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), trong tương lai, internet không còn bó hẹp trong nội dung số, với khả năng tác động 2-3% GDP. Internet đã không thể tách rời với các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… với khả năng tác động tới 40-50% GDP Việt Nam. Vì vậy, DN Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn những ngành dịch vụ mới, có nhiều tiềm năng, như thanh toán, Smart City, Smart Solutions,  IoT... để đầu tư, đón đầu xu hướng thế giới.
Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, trong tương lai, các sản phẩm bắt kịp xu hướng công nghệ mới của DN Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh một cách tương đối song phẳng với các DN nước ngoài ở Việt Nam. Vì thế, VNG chủ động đầu tư mạnh vào các nhóm ngành sản phẩm mới như thực tại ảo (VR), IoT, Smart City, ZaloPay… Ông Minh cho rằng chắc chắn internet nói riêng, công nghệ nói chung là một phần không tách rời của lĩnh vực trong đời sống kinh tế. 
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT, cho rằng cần phát triển nội dung số và tạo ra nhiều cơ hội cho DN phát triển nội dung số. “Chúng tôi tạo ra hạ tầng tốt cho các ý tưởng được phát huy. Đó là hạ tầng để các dịch vụ nội dung số có thể phát triển nhanh nhất, tốt nhất. Chúng ta cần bắt tay nhau cùng phát triển và khuyến khích cộng đồng phát triển các dịch vụ, cùng hưởng lợi. Sự bắt tay giữa DN hạ tầng, nền tảng với DN nội dung số là điều cần thiết để internet ở Việt Nam tiếp tục phát triển và mang lại những giá trị đích thực cho kinh tế - xã hội, đời sống đất nước” - ông Liêm nói.
Ở góc độ của mình, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, cho rằng kinh tế số phải dựa trên nền tảng internet rất mạnh. Hiện nay, internet đã chuyển qua internet di động. Do đó, 4G và 5G sẽ là nền tảng quan trọng cho Việt Nam thực hiện mục tiêu kinh tế số. Nền tảng để thực hiện kinh tế số vẫn là hạ tầng viễn thông di động mạnh mẽ. Hạ tầng internet Việt Nam hiện nay đã cơ bản hoàn thiện từ cáp quang, đến mạng viễn thông di động 3G, 4G.
Tuy nhiên khi nội dung số và các dịch vụ IoT phát triển, cần phải tiếp cận mạng 5G. Hàng loạt dịch vụ mới trên nền tảng IoT có tính di động cao và sử dụng nhiều data sắp ra đời sẽ khiến cho mạng 3G và 4G khó đáp ứng được nhu cầu. Các dịch vụ IoT sẽ có mặt khắp nơi, chi phối mọi mặt của bất kỳ nền kinh tế - xã hội nào. Tuy nhiên để có 5G cần phải hoàn thiện mạng cáp quang và 4G cùng một cách đồng bộ và đủ mạnh. 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, thế giới hiện nay đã bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, một ngành nghề nào có thể tách rời khỏi công nghệ thông tin và internet. Đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
“Bộ TT-TT sẽ luôn đồng hành cùng DN viễn thông, internet, nội dung số của Việt Nam, với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường internet, nội dung số bình đẳng và bền vững để trong những năm tới, để có nhiều hơn nữa DN Việt tiến ra nước ngoài thành công, ghi sâu dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Các tin khác