Sự kiện BIDV tiến hành IPO vào cuối tháng này đang được nhiều NĐT quan tâm, tuy nhiên đến nay giá khởi điểm đấu giá cổ phần vẫn chưa được công bố. Trao đổi với ĐTTC, ông Trần Bắc Hà (ảnh), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết dự kiến ngày 6-12 mức giá khởi điểm mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
> "Trâu chậm có uống nước đục?"
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, mức giá khởi điểm để đấu giá cổ phần BIDV được tính toán, xác định dựa trên nguyên tắc nào?
-Ông TRẦN BẮC HÀ: - Sẽ có một khung giá dựa trên nhiều phương pháp tính toán phù hợp, từ khung giá đó sẽ chọn ra một “điểm rơi”. Mức giá này cũng được xác định dựa trên sự so sánh với với giá một số CP ngân hàng có điều kiện tương đồng.
Nhưng mức giá này cũng chỉ là tương đối, bởi nếu đến gần ngày đấu giá, tình hình thị trường lại xấu đi, khả năng thành công sẽ khó khăn, lúc đó sẽ có phương án dự phòng để trình cơ quan có thẩm quyền duyệt lại. Trên thực tế đã từng có tiền lệ như vậy.
Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản là đưa mức giá nào cũng phải phản ánh được cung cầu của thị trường. Quan trọng là mức giá đó phải bảo đảm để phiên đấu giá sẽ thành công trên cả 2 phương diện là bán hết và giá khớp lệnh giao dịch tốt.
- Vấn đề xác định giá khởi điểm rất quan trọng, bởi đây sẽ là yếu tố quyết định có thu hút được NĐT hay không. Nhưng nếu để giá thấp quá quyền lợi của nhà nước sẽ bị ảnh hưởng?
- Khi BIDV báo cáo đề án cổ phần hóa với Thường trực Chính phủ, chúng tôi cũng nêu rõ những thuận lợi, khó khăn khi tiến hành IPO ở thời điểm này. Thường trực Chính phủ đã kết luận về nguyên tắc trước hết phải đẩy nhanh, đẩy mạnh cổ phần hóa.
Thứ hai không đặt nặng vấn đề lợi ích của Chính phủ khi tiến hành cổ phần hóa, mà phải theo nguyên tắc thị trường. Bản thân BIDV cũng báo cáo Chính phủ nếu tiến hành cổ phần hóa trong năm nay, khi TTCK đang đi xuống thì quyền lợi của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng mục tiêu đầu tiên đặt ra không phải là Nhà nước thu tiền về, mà mục tiêu chính là để nâng cao quản trị, cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước qua con đường cổ phần hóa.
- Nhiều ý kiến cho rằng thời gian từ nay đến khi tổ chức IPO quá ngắn sẽ khiến NĐT khó có điều kiện phân tích sâu về hoạt động của BIDV, từ đó đưa ra được quyết định đúng để đầu tư?
- Thời điểm này chúng tôi IPO thực ra đã trễ hẹn. Nếu gia hạn nữa sẽ gây ảnh hưởng, tổn thương tới thương hiệu BIDV. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục kéo dài, qua thời điểm 31-12-2011 lại thêm những phát sinh, coi như phải làm lại từ đầu.
Vì vậy, bản thân BIDV nhận thấy đủ điều kiện, đúng quy định và đúng lộ trình để IPO trong năm nay. Còn về vấn đề thông tin, trên thực tế hàng năm chúng tôi đều công bố kết quả kiểm toán hoạt động kinh doanh, NĐT cũng có thể nghiên cứu, xem xét thông tin về BIDV trong bản cáo bạch.
Mặt khác, qua hệ thống rộng khắp của chúng tôi, BIDV sẽ chuyển tải thông tin đến các NĐT; tổ chức roadshow để làm rõ hơn các thông tin vào ngày 11 và 12-12-2011 tại Hà Nội và TPHCM.
- Xin cảm ơn ông.