Ngày 6-11, Iran bắt đầu làm giàu uranium ở mức 5% tại cơ sở hạt nhân Fordow. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết có thể nâng mức làm giàu uranium lên 20% nếu cần thiết, cũng như bơm khí urani vào 1.044 máy ly tâm tại nhà máy này. Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) lập tức phản ứng gay gắt.
Nhân viên kỹ thuật Iran làm việc tại một cơ sở làm giàu uranium gần Tehran. Ảnh: Tư liệu
Không có điểm dừng
Việc làm giàu uranium là bước đi thứ 4 trong lộ trình cắt giảm cam kết hạt nhân mà Iran thực hiện từ tháng 5 vừa qua như một cách đáp trả mạnh mẽ việc Mỹ siết chặt trừng phạt Tehran sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) vào tháng 5-2018.
Động thái này của Iran được đưa ra ngay sau khi Mỹ công bố đợt trừng phạt mới chống Tehran, lần này là nhằm vào 9 người liên quan tới lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, người chỉ 1 ngày trước tuyên bố Iran sẽ không đầu hàng trước sức ép từ Mỹ và khẳng định cấm tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ cho tới khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Mỹ đang sử dụng công cụ trừng phạt, một biện pháp được ưa thích của Washington, như một phần trong chiến dịch “gây áp lực tối đa” đối với Iran, vốn đã khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, có vẻ chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa thể lường hết được tính chất nguy hiểm và hai mặt của các biện pháp trừng phạt. Khi bị dồn vào chân tường, trong bối cảnh các giao dịch thương mại của nước này với phần còn lại của thế giới bị giảm sút, doanh thu từ buôn bán dầu mỏ suy yếu, Iran đã đáp trả theo cách “được ăn cả ngã về không”.
Xét về khía cạnh kinh tế, Iran đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề do Washington liên tiếp gia tăng các lệnh trừng phạt. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo rằng nền kinh tế Iran sẽ giảm tới 9,5% trong năm 2019, so với ước tính trước đó là giảm 6%, và mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Iran sẽ gần bằng 0% vào năm tới.
IMF dự báo xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Iran sẽ giảm xuống còn 60,3 tỷ USD trong năm nay, so với mức 103,2 tỷ USD của năm ngoái và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 55,5 tỷ USD trong năm tiếp theo. IMF cũng cho biết Iran sẽ cần giá dầu thô ở mức 194,6 USD/thùng - một mức giá không tưởng - để cân bằng ngân sách vào năm tới.
Hậu quả nghiêm trọng
Sau tuyên bố sẽ nối lại hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở hạt nhân chủ chốt Fordow của Iran, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, đây là bước đi lớn sai hướng, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thực hiện vai trò thẩm tra độc lập tại Iran và trông đợi các báo cáo của IAEA về bất kỳ diễn biến nào trong chương trình hạt nhân của Iran.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh, quyết định của Iran gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Anh. Ông Raab nói: “Chúng tôi muốn tìm một con đường hướng tới tương lai thông qua đối thoại quốc tế mang tính xây dựng, song Iran cần thực hiện những cam kết của họ và ngay lập tức trở lại tuân thủ đầy đủ”.
Dư luận đang lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang khi các nước trong khu vực sẽ phải tăng cường năng lực phòng thủ để đối phó với những thách thức an ninh mới một khi JCPOA đổ vỡ.
Một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu bình luận, JCPOA đã trở thành một mảnh đất vô chủ và nguy cơ sụp đổ đang có vẻ rất gần. Phương Tây đang chờ đợi báo cáo của IAEA để cân nhắc những động thái tiếp theo đối với vấn đề hạt nhân Iran, song Mỹ ngay lập tức tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục bị trừng phạt, cô lập về kinh tế và chính trị, khiến căng thẳng giữa hai quốc gia đối địch khó có cơ hội tháo gỡ.