Iran triển khai máy bay chiến đấu tới biên giới

(ĐTTCO) - Ngày 3-1, quân đội Iran đã triển khai các máy bay chiến đấu F-14 tới các khu vực biên giới nước này trong tình trạng báo động và tiến hành các hoạt động tuần tra, sau khi Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani, bị sát hại trong một cuộc không kích của Mỹ gần sân bay quốc tế Baghdad của Iraq.
Trước đó cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tiến hành vụ không kích nói trên sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad, mà Mỹ cáo buộc do Iran đứng sau. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố vụ tấn công là hợp pháp. Washington không tìm kiếm chiến tranh với Iran và đã dốc sức để bảo vệ các tài sản của Mỹ ở khu vực. 

Sân bay Baghdad ở Iraq bị Mỹ không kích. Ảnh: ANI News

Sân bay Baghdad ở Iraq bị Mỹ không kích. Ảnh: ANI News


Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang căng thẳng ở Trung Đông hiện nay, cho rằng đây là thời điểm mà lãnh đạo các nước cần kiềm chế ở mức tối đa. Ông nhấn mạnh thế giới không thể chứng kiến thêm một cuộc chiến nào nữa ở vùng Vịnh.

Trong khi đó, dư luận quốc tế tiếp tục chỉ trích vụ không kích của Mỹ, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Iraq và đẩy khu vực Trung Đông vào tình thế nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ đây là một bước đi mạo hiểm làm tổn hại hòa bình và ổn định, sẽ làm gia tăng căng thẳng trong toàn khu vực. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ không kích của Mỹ khiến Tướng Soleimani thiệt mạng có nguy cơ “đổ thêm dầu” vào “chảo lửa” Trung Đông. Về phần mình, nhà lãnh đạo Pháp cũng thúc giục các bên liên quan tránh mọi hành động có thể khiến tình hình thêm leo thang căng thẳng. 

Trong phản ứng mới nhất, Chủ tịch Quốc hội Iraq Muhammad Al-Halbousi  đã kêu gọi Chính phủ Iraq có hành động bảo đảm an ninh, hợp pháp mang tính chính trị để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự. Theo ông, Iraq cần phải tránh trở thành một chiến trường hay một phía trong cuộc xung đột ở khu vực hoặc quốc tế.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ Dầu mỏ Iraq xác nhận, một số công dân Mỹ làm việc cho các công ty dầu khí nước ngoài ở thành phố dầu mỏ Basra  đang rời đi sau khi Washington hối thúc các công dân của mình rời khỏi Iraq.

Ngoài các công nhân Mỹ, mọi công dân nước ngoài khác đều không rời khỏi các cơ sở dầu mỏ ở quốc gia Trung Đông này.

Các tin khác