Trong báo cáo vừa đưa ra cuối tuần qua, Ngân hàng trung ương Italia đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này.
Dự báo được đưa ra trong bối cảnh các điều kiện tín dụng thắt chặt và kinh tế toàn cầu tiếp tục u ám "phủ bóng đen” lên triển vọng phát triển của Italy trước cuộc bầu cử vào tháng 2-2013.
Theo Ngân hàng trung ương Italia, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này dự kiến sẽ sụt giảm 1% trong năm 2013, cao hơn dự báo âm 0,2% đưa ra hồi tháng 7-2012.
Báo cáo kinh tế hàng quý của Ngân hàng trung ương cũng nêu bật những thách thức kinh tế mà chính phủ sắp kế nhiệm sẽ phải đối mặt, khi mà cuộc suy thoái bắt đầu từ quý I-2011 có thể kéo dài sang năm 2013.
Báo cáo chỉ dám dự kiến mức khôi phục yếu và bấp bênh của kinh tế Italia trong nửa cuối năm 2013, trước khi sẽ tăng nhẹ trở lại 0,7% trong năm 2014, so với mức sụt giảm có thể đã lên tới 2,1% năm 2012.
Thủ tướng Italia Mario Monti, người lên nắm quyền vào lúc cuộc khủng hoảng tài chính lên đến cao trào năm 2011, tỏ ý tin tưởng vào khả năng Italia sẽ khôi phục được sự tín nhiệm của quốc tế.
Tuy nhiên, chính ông cũng đánh giá rằng sự suy thoái kinh tế của đất nước có thể đã trầm trọng thêm bởi các biện pháp khắc khổ mà chính quyền kỹ trị hiện tại đã và đang áp dụng và điều này đặt ra thách thức to lớn đối với chính quyền kế nhiệm sau cuộc bầu cử ngày 24 và 25-2 tới.
Nhấn mạnh những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải đương đầu kể từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra, Ngân hàng trung ương Italia nói rằng cho dù kinh tế nước này có thể tăng trưởng trở lại trong năm 2014, thì GDP của nước này cũng vẫn thấp hơn gần 7 điểm phần trăm so với mức tương ứng hồi năm 2007.
Ngân hàng trên nhận định, tỷ lệ nợ trên GDP của nước này theo ước tính của Chính phủ Italia sẽ leo lên tương đương 126,1% năm 2013, có thể bắt đầu giảm trong năm 2014, nhờ thặng dư ngân sách ban đầu (chưa tính đến chi phí trả nợ) được cải thiện và kinh tế quốc dân tăng trưởng trở lại.
Dù đảng phái nào lên nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử đều phải tiếp tục cân bằng ngân sách tài chính công và theo đuổi các cải cách để phục hồi sức cạnh tranh của nền kinh tế.