Karaoke có phải dịch vụ giải trí mạo hiểm?

(ĐTTCO) - Vụ cháy cơ sở karaoke An Phú ở Thuận An, Bình Dương khiến 32 người thiệt mạng, thực sự là một nỗi đau cho cộng đồng. Karaoke được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng lại đang gây âu lo như một dịch vụ giải trí mạo hiểm. Làm sao để khắc phục thực trạng đáng day dứt xung quanh các quán karaoke?

Về vụ hỏa hoạn karaoke An Phú, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) và đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội), cùng cho rằng đây không phải một vụ cháy thông thường mà phải coi là một “thảm họa”.
Sau khi nắm bắt tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát công tác cấp phép kinh doanh, hoạt động karaoke, tăng cường hướng dẫn, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke.
Đồng thời, tham mưu sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke; tăng mức chế tài xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm quy định của pháp luật…Như vậy, karaoke không còn là câu chuyện “hát cho vui” nữa, mà trở thành một vấn đề xã hội cần được chung tay giải quyết thấu đáo. 
Karaoke là một từ ghép của chữ kara - nghĩa là không và oke là ban nhạc, dàn nhạc. Hát karaoke nghĩa là hát mà không cần ban nhạc chơi nhạc đệm. Karaoke do ông Inoue Daisuke phát minh và công bố tại Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 1971, và nhanh chóng được lan tỏa khắp hành tinh.
Karaoke có phải dịch vụ giải trí mạo hiểm? ảnh 1
Du nhập vào Việt Nam đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các dịch vụ karaoke càng ngày càng nở rộ và được đầu tư khá hoành tráng. Có không ít chuỗi kinh doanh karaoke hoạt động hiệu quả và mang lại nguồn thu khổng lồ. Vì vậy, đưa karaoke vào quản lý như một loại hình kinh doanh có điều kiện là hết sức cần thiết. 
Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh karaoke có những yếu tố cơ bản như “Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ” và “Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động, trừ các thiết bị báo cháy nổ”.
Thế nhưng, vì chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở karaoke vẫn thiết kế và vận hành một cách tùy tiện. Bằng chứng là sau vụ cháy karaoke An Phú, cơ quan chức năng TPHCM đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh karaoke tại đô thị lớn nhất phương Nam và phát hiện sai phạm tràn lan.
Việc quản lý dịch vụ karaoke, ngoài vai trò của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, còn được phân trách nhiệm cho rất nhiều ban ngành. Bộ Công an chịu trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về an ninh, trật tự; phòng, chống tội phạm; phòng, chống cháy nổ tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn về việc bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về công tác quản lý hoạt động khuyến mại, tiếp thị, kinh doanh rượu, bia và các hàng hóa, dịch vụ khác thuộc phạm vi chức năng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước về lao động, phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke...
Với rất nhiều cơ quan cùng theo dõi và quản lý, thì tại sao “thảm họa” karaoke vẫn xảy ra? “Thảm họa” karaoke không phải tình cờ, mà đã được cảnh báo và vẫn luôn đe dọa mỗi ngày. Trước vụ cháy quán karaoke An Phú đã có vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy phải hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Sau vụ cháy quán karaoke An Phú lại tiếp tục có vụ cháy quán karaoke Yến Nhi ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai vào chiều 11-9. Rõ ràng, “thảm họa” karaoke là có thật, nhưng vẫn chưa có biện pháp mạnh để ngăn ngừa. Thử hỏi, nếu sau ngày xảy ra vụ cháy quán karaoke ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vào tháng 11-2020 dẫn đến cái chết của 3 người, các cơ quan chức năng nhanh chóng tăng cường công tác quản lý thì có lẽ sẽ không xuất hiện những bi kịch gần đây chăng?
Được xếp vào loại hình kinh doanh có điều kiện, các điểm karaoke vẫn nở rộ từ thành thị đến nông thôn để đáp ứng nhu cầu giao lưu ca hát của người dân. Thế nhưng, việc cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy và việc kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với các quán karaoke, vẫn còn không ít nghi ngại.
Thường cơ sở karaoke trưng dụng nhà ống bịt bùng với duy nhất một cửa ra vào và các phòng karaoke được thiết kế bằng những vật liệu dễ cháy, thì chẳng thể nào lường trước “thảm họa” sẽ diễn biến ra sao. Lối thoát hiểm, còi báo động, bình chữa cháy... là những thứ rất ít khách hàng chú ý khi đến karaoke. Mặt khác, khách hàng ở tụ điểm karaoke hầu hết có sử dụng bia rượu, nên khả năng ứng phó cực kỳ thấp khi có nguy cơ bất trắc.
Về mặt pháp luật, các quy định dành cho dịch vụ kinh doanh karaoke cơ bản đã đầy đủ, nhưng ý thức chấp hành hoàn toàn chưa đảm bảo. Thẳng thắn mà nói, các chủ quán karaoke đều là những người có “máu mặt” và biết cách ứng xử khôn khéo với chính quyền địa phương để “hợp thức hóa” chuyện làm ăn của mình. Những thắc mắc và những lo ngại của người dân trong khu vực về mức độ an toàn các quán karaoke, không dễ gì có được “hồi âm” thỏa đáng. Cho nên, đã đến lúc phải nghiêm khắc hơn với quản lý hoạt động karaoke để ngăn chặn “thảm họa” đau lòng.
Con số thống kê tại Thuận An, Bình Dương (nơi vừa xảy ra “thảm họa” karaoke An Phú) cho biết, qua các đợt kiểm tra có đến 45% các cơ sở không đạt tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, thậm chí nhiều cơ sở vi phạm và bị phạt đến lần thứ 4, thứ 5... nhưng không có cơ sở nào phải ngừng hoạt động. Vì vậy, cần kiên quyết đóng cửa các tụ điểm karaoke không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy để tránh “thảm họa” tái diễn. 

Các tin khác