Kê khai tài sản cá nhân để minh bạch chứ không hạn chế quyền làm giàu

(ĐTTTCO) - Dù đã có quy định nhưng nhìn chung, việc kê khai tài sản hàng năm đối với một số đối tượng cán bộ công chức còn khá mơ hồ trong việc kiểm tra, giám sát nên không thúc đẩy sự trung thực của người kê khai.
Kê khai tài sản cá nhân để minh bạch chứ không hạn chế quyền làm giàu

Chẳng hạn, bản kê khai có yêu cầu giải trình lý do tăng giảm, nhưng liệu có bao nhiêu người giải trình một cách trung thực, chi tiết và có bao nhiêu cơ quan, tổ chức Đảng kiểm tra, giám sát việc giải trình này có chính xác?

Chính vì vậy, trải qua nhiều năm, tài sản có thay đổi nhưng biến động qua từng năm lại không được nêu đầy đủ và cũng không ai xác minh sự biến động đó có đúng không. Hoặc có nhiều tài sản không được đưa vào bản kê khai bởi nguồn gốc của nó không rõ ràng, hay được khai giảm giá trị đi...

Thực tế cho thấy, quy định và chế tài để ràng buộc người kê khai tài sản phải trung thực còn nhiều hạn chế. Việc khai đúng, khai đủ, chính xác, giải trình đầy đủ, trung thực đều tùy thuộc vào sự tự giác của từng người, gần như không có sự tác động từ pháp luật, quy định để người khai thực hiện đúng.

Trong số hàng triệu lượt bản kê khai trong những năm qua, số người vi phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó có một số trường hợp chỉ được phát giác do có đơn thư tố cáo chứ không phải do kiểm tra, thanh tra, giám sát. Ngoài ra, thói quen sử dụng tiền mặt và không có quy định bắt buộc các giao dịch lớn phải qua ngân hàng nên cơ quan chức năng cũng khó nắm được các nguồn thu của cán bộ công chức.

Trong bối cảnh như vậy, chỉ biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở để cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện tốt công tác kê khai tài sản là chưa đủ. Cần phải có những quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc hơn, kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn thì mới tác động nhiều đến việc kê khai tài sản, từ đó có thể xác định được nguồn gốc tài sản và đi đến lý giải thu nhập chính đáng hay không chính đáng.

Có cơ chế giải trình về nguồn gốc tài sản để xác định tính minh bạch trong thu nhập của cán bộ, đảng viên nhằm góp phần hạn chế tham nhũng, chứ không có nghĩa là hạn chế làm giàu chính đáng.

Bên cạnh đó, cần nhiều biện pháp đồng bộ khác để cơ quan chức năng có thể kiểm soát được tình hình thu nhập, như tăng cường quản lý giao dịch qua ngân hàng, thực hiện nghiêm chính sách thuế thu nhập cá nhân, công khai lương và thu nhập của một số đối tượng cán bộ công chức…

Các tin khác