![]() |
Hiện nay, tất cả ngành hàng công nghiệp, nông nghiệp của Việt Nam đều có một hiệp hội trung ương và các hiệp hội ở địa phương để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, liên kết các DN lại với nhau.
Song trên thực tế, mối liên kết ấy dường như chỉ là liên kết ảo, liên kết tạm thời và nhanh chóng tan rã chứ chưa thật sự tạo dựng một mối quan hệ đoàn kết và gắn bó lâu dài để đảm bảo lợi ích chung. Một số lãnh đạo hiệp hội cho biết hầu hết DN hội viên chỉ thực hiện theo những đề nghị của hiệp hội khi thấy được những lợi ích đang chờ đón.
Nhất là về vấn đề giá cả, dù trong các cuộc họp, các DN đều đồng ý thống nhất mức giá xuất khẩu nhưng sau đó thị trường vẫn rối loạn vì giá cả bát nháo do DN chỉ chú ý đến lợi ích riêng mà không quan tâm đến lợi ích lâu dài, không quan tâm đến việc tạo chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. DN sẵn sàng “phá giá” để giành khách hàng.
Ngành gỗ cách đây 2 năm đã bắt đầu chú trọng đến việc liên kết DN để san sẻ nguồn nguyên liệu cũng như thực hiện các hợp đồng lớn. Nhưng đến nay, dự tính này vẫn chỉ là con số 0 vì các DN đã quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Dệt may là một trong những ngành được kêu gọi nhiều nhất để tạo ra chuỗi hoạt động xuyên suốt để xây dựng khả năng thu hút và thực hiện các hợp đồng lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, dù đã nhiều lần đề nghị các DN liên kết lại để xây dựng cơ chế phân bổ đơn hàng dệt may theo mô hình chuỗi, phía hiệp hội cũng đưa ra thực trạng về ngành dệt may trong nước lẫn sự phát triển của chuỗi liên kết trên thế giới để DN nhìn thấy lợi ích tối đa, nhưng kết quả vẫn không đến đâu.
Mới đây, trong cuộc họp bàn thúc đẩy xuất khẩu dệt may sang thị trường Hoa Kỳ, vấn đề này một lần nữa được nhắc lại. Tuy nhiên, một số DN cho rằng trước đây các DN cũng đã liên kết với nhau nhưng mối liên kết đó chỉ hình thành trong những nhóm DN có mối quan hệ hợp tác sẵn, còn những DN khác khó có thể vào được.
Thậm chí, khi đã thực hiện liên kết rồi nhưng nếu có được những hợp đồng có thể tự chủ được, DN cũng sẵn sàng “xé rào” để có được đối tác.
Trong khi đó, muốn vào những thị trường lớn như Hoa Kỳ, một DN đơn lẻ khó có thể đáp ứng đủ tiêu chí, tiêu chuẩn cũng như lượng hàng mà nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đưa ra. Khi DN trong nước đang nỗ lực kéo giá, “dìm hàng” lẫn nhau để giành khách hàng thì các DN nước ngoài thể hiện sự liên kết vững chắc từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến, sản xuất, xuất khẩu cũng như trong việc tìm kiếm khách hàng lớn có thời gian làm ăn lâu dài. Do đó, hàng hóa Việt Nam càng ngày càng sụt giảm “sức khỏe”.
Việc liên kết DN trong một chuỗi tuy không mang lại lợi ích đột biến trong một thời điểm nào đó nhưng sẽ giúp DN tránh được những rủi ro trong xuất khẩu như khó tìm đối tác, mất đơn hàng lớn hay không đủ thông tin để bị đối tác lừa đảo.
Về lâu dài, khi liên kết DN có thể hỗ trợ nhau về máy móc, thiết bị, công nghệ, thông tin thị trường để phát triển nhịp nhàng theo đúng nhu cầu của thế giới thay vì sản xuất manh mún, lúc thiếu, lúc thừa gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của từng cá nhân DN.