(ĐTTC) – Hôm qua 23-9, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã tổ chức tổng kết 5 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP).
![]() |
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, 5 năm qua thị trường TPCP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, cung cấp công cụ chỉ báo để phục vụ điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là trong việc phối hợp điều hành chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ. Đồng thời góp phần củng cố hình ảnh và độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.
Tính từ tháng 9-2009 đến tháng 9-2014, đấu thầu tập trung tại HNX đã huy động được 654.493 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó Kho bạc Nhà nước huy động được 513.292 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần so với giai đoạn 2000-2008. Đặc biệt, từ năm 2012, đấu thầu trở thành kênh chủ đạo trong huy động vốn cho NSNN qua phát hành trái phiếu, giá trị huy động qua đấu thầu tăng mạnh, năm 2013 đạt 194.000 tỷ đồng, đạt gần 18% tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Bên cạnh đó, thị trường giao dịch TPCP tăng trưởng mạnh về quy mô và giao dịch. Đến nay, tổng giá trị danh mục TPCP đang lưu hành đạt xấp xỉ 680.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2009 và tương đương 18% GDP.
Quy mô thị trường TPCP đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23%/năm trong 5 năm qua, và được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu trong các nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Á. Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể, giá trị giao dịch bình quân phiên đã tăng gấp 7,5 lần trong vòng 5 năm qua. Từ 365 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên 2.374 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2014.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sự phát triển của thị trường TPCP đã góp phần thành công trên con đường xây dựng và hình thành đường cong lãi suất chuẩn. Lãi suất trên thị trường trái phiếu sơ cấp và thứ cấp đã phản ánh một phần tình hình cung cầu vốn trên thị trường và là lãi suất tham chiếu cho thị trường các công cụ nợ.
Thị trường TPCP đóng vai trò vô cùng quan trọng, trở thành kênh huy động và phân bổ vốn cho phát triển kinh tế của đất nước, làm đa dạng hóa các công cụ đầu tư trên thị trường vốn cũng như đóng góp tích cực trong việc phối hợp điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa.
Đánh giá về 5 năm qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng thị trường trái phiếu đã phát huy vị thế và vai trò trong khu vực thị trường tài chính và thị trường vốn. Nếu 2009, quy mô của thị trường TPCP ở mức 17 tỷ USD, ước đến cuối năm 214 lên tới 43 tỷ USD.
Điều này cho thấy, vị thế của thị trường trái phiếu, đặc biệt là TPCP góp phần thay đổi cơ cấu của thị trường, trong đó có mối quan hệ giữa thị trường vốn cổ phần và thị trường nợ, trong thị trường nợ có mối quan hệ giữa thị trường trái phiếu và tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, thị trường trái phiếu vẫn còn nhiều tồn tại và khiếm khuyết, sản phẩm còn nghèo nàn, chưa đa dạng. Chủ yếu một công cụ là trái phiếu có kỳ hạn và lãi suất trả hàng năm, đáo hạn một lần. Kỳ hạn của trái phiếu cũng chưa đa dạng, chủ yếu là ngắn hạn, bình quân tuổi đời trái phiếu khoảng 5 năm. Trong khi nhu cầu mong muốn huy động nguồn lực dài hơn, để phát triển, cân đối với ngân sách.
Để phát triển thị trường thời gian tới, theo ông Hà, thời gian tới như: tiếp tục hoàn thiện thể chế của thị trường, không những chỉ có nghị định, thông tư, mà bao gồm cả các quy tắc, chuẩn mực hoạt động của thị trường; tái cơ cấu hoạt động của thị trường trái phiếu, trong đó có tái cơ cấu hàng hóa, sản phẩm, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm mới, cơ cấu lại các công cụ nợ; phát triển cơ sở các nhà đầu tư theo hướng mở rộng nhà đầu tư có tổ chức, các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.
Giới thiệu các sản phẩm phái sinh, từng bước đưa thị trường phái sinh vào hoạt động và tạo điều kiện phòng ngừa rủi ro cũng như thúc đẩy dòng lưu chuyển vốn tiền tệ; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ; thực hiện cơ chế thanh toán tiền giao dịch chứng khoán qua ngân hàng và phát triển các tổ chức định mức tín nhiệm.