Kênh Tân Hóa - Lò Gốm bị 'bức tử' bởi rác và nước thải

(ĐTTCO) - Tháng 4-2015, dự án cải tạo, nâng cấp kênh Tân Hóa - Lò Gốm có tổng vốn đầu tư khoảng 162 triệu USD đã được UBND TPHCM tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng.
Thu gom rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm, khu vực quận Tân Phú (ảnh chụp ngày 6-6)
Thu gom rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm, khu vực quận Tân Phú (ảnh chụp ngày 6-6)

Thế nhưng, sau gần 8 năm trôi qua, hệ thống kênh dài 6,8km (bắt đầu từ gần đường Hòa Bình, quận 11, đến ngã ba kênh Tàu Hủ - kênh Lò Gốm) này đang có dấu hiệu ô nhiễm trở lại.

Niềm vui… chẳng tày gang

Những ngày đầu tháng 6, PV Báo SGGP đã ghi nhận thực tế tại hệ thống kênh Tân Hóa - Lò Gốm chảy qua khu vực quận 6, Tân Phú, quận 11. Theo ghi nhận, tuyến kênh này đang có dấu hiệu ô nhiễm trở lại bởi lượng nước thải và rác thải chưa được xử lý từ các nhánh kênh nhỏ ở các khu dân cư đổ vào.

Dọc tuyến kênh là một màu đen kịt, nước có mùi tanh hôi, rác sinh hoạt nổi lềnh bềnh… Ở một số đoạn, đủ loại rác như bịch ni lông, xác động vật, chai lọ, ly nhựa, hộp xốp, phế phẩm từ sinh hoạt… kết lại thành từng mảng.

Bà Lê Thị Tâm, nhà ở sát kênh Tân Hóa - Lò Gốm (phường 11, quận 6), chia sẻ: “Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm được người dân xung quanh khu vực kỳ vọng sẽ thay đổi dòng kênh đen thành dòng kênh xanh, sạch, đẹp, thay đổi môi trường sống, góp phần xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp. Ấy vậy mà, chỉ sau một thời gian ngắn được cải tạo, tuyến kênh đang đối mặt với nguy cơ bị rác thải và nước xả thải “bức tử”, gây ô nhiễm trở lại. Những ngày nắng nóng, kênh bốc mùi không chịu nổi. Những hôm trời đang nắng nóng mà có trận mưa ập xuống thì mùi hôi càng nồng nặc hơn. Đúng là niềm vui chẳng tày gang”.

Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Tuấn Kỳ (ngụ đường Tân Hóa, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) cho biết, từ ngày tuyến kênh được hồi sinh, những căn nhà “ổ chuột” hai bên dòng kênh đã không còn, thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ. Hàng ngày, người dân ra ghế đá dọc con kênh hóng mát và tập thể dục, cuộc sống của nhiều gia đình đã đổi thay. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tuyến kênh đã có dấu hiệu tái ô nhiễm do phải hứng một khối lượng lớn rác thải, nước thải đổ ra từ các khu dân cư.

Thực tế cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã treo rất nhiều bảng hiệu, pano... tuyên truyền, kêu gọi không xả rác bừa bãi xuống kênh, rạch, nhưng do ý thức của một bộ phận người dân chưa thay đổi nên họ vẫn vứt rác xuống kênh một cách bừa bãi. Người dân sống dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm lo ngại việc rác thải, nước thải xả ra kênh sẽ mang theo mầm bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống, nhất là trẻ nhỏ. Nghiêm trọng hơn là ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Nâng cao nhận thức, chế tài

Nhiều lần theo chân các công nhân thu gom rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, phóng viên chứng kiến sự nặng nhọc của họ khi mỗi ngày phải vớt khoảng 3 tấn rác. Công nhân làm việc không kể thời tiết nắng - mưa, ngày - đêm, chỉ khi nào vớt hết rác mới được nghỉ.

Theo phản ánh của các công nhân, ý thức nhiều người dân hiện còn rất hạn chế, cứ tiện tay là vứt rác xuống kênh. “Một người vớt nhưng hàng trăm người xả thì không thể nào đảm bảo được vệ sinh môi trường”, một công nhân vớt rác tâm sự.

Ông Huỳnh Minh Sơn, Trạm trưởng Trạm vớt rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm, cho biết, lượng rác không nhỏ từ thượng nguồn theo dòng nước chảy về từ các cống ngầm, tích tụ lâu ngày, sau cơn mưa lớn sẽ bị nước cuốn ra kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Mặc dù anh em công nhân đã thực hiện vớt rác đầy đủ theo lộ trình nhưng cũng không xuể.

Thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp để kêu gọi mọi người không xả rác ra kênh rạch với mong muốn mang lại hình ảnh một thành phố xanh, sạch, đẹp và đáng sống. Tuy nhiên, tất cả sẽ là vô nghĩa nếu ý thức về bảo vệ môi trường của người dân không được cải thiện.

Đại diện một số địa phương có kênh Tân Hóa - Lò Gốm chảy qua như phường 7 (quận 6), phường 3 (quận 11)… cho biết, chính quyền thường xuyên ra quân tổng dọn vệ sinh, tuyên truyền không xả rác bừa bãi ra đường, kênh rạch, cũng như tăng cường công tác thanh tra, xử phạt các hành vi vi phạm. Thế nhưng, quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân ý thức chưa cao, luôn lén lút xả rác bậy, trong khi lực lượng chức năng quản lý nhà nước thì còn mỏng.

Để bảo vệ môi trường khu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và hành vi xả rác nói riêng, song song đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…

Ông Huỳnh Minh Sơn kiến nghị, thành phố cần tăng cường hơn nữa các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định. Đặc biệt, cần có chế tài mạnh mẽ đối với hành vi vứt rác bừa bãi.

Ông ĐẶNG PHÚ THÀNH, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM: Giám sát việc xử lý nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất

Hiện nay, nước thải sinh hoạt đã được thu gom bằng hệ thống cống dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, thành phố chưa sắp xếp được nguồn vốn để đầu tư Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm nói riêng và các nhà máy khác theo quy hoạch nói chung. Tuy vậy, để kiểm soát chất lượng nước trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND quận 6 tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận hành, xử lý nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn quận quản lý. Để giải quyết thoát nước, chỉnh trang một phần quận 6 và quận Tân Phú, thành phố đã có kế hoạch thực hiện dự án cải tạo rạch Bầu Trâu (chảy từ quận Tân Phú qua quận 6).

Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp Sở KH-ĐT đề xuất chủ trương đầu tư dự án này. Về vấn đề rác thải trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm nói riêng và hệ thống thoát nước thành phố nói chung (bao gồm các kênh rạch), Thành ủy TPHCM đã có Chỉ thị số 19 năm 2018 về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Hiện nay, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch được triển khai rộng khắp và bước đầu đạt được kết quả khả quan.

Các tin khác