Kết nối để phát triển

(ĐTTCO) - Châu Á đã và đang được ghi nhận có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới với đầu tư cơ sở hạ tầng là vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển chung. Tuy nhiên, còn nhiều khu vực của châu Á vẫn dưới mức trung bình của thế giới cả về số lượng và chất lượng.
Hành lang Kinh tế Đông - Tây là dự án xây dựng khối kinh tế lớn từ Việt Nam đến Myanmar thông qua Lào và Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Hành lang Kinh tế Đông - Tây là dự án xây dựng khối kinh tế lớn từ Việt Nam đến Myanmar thông qua Lào và Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Đặc biệt là vùng Đông Nam Á, nơi các nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hội nhập và kết nối thị trường khu vực. Do đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã lên kế hoạch thúc đẩy kết nối thông qua việc phát triển hàng loạt tuyến đường sắt, đường bộ và đường thủy nhằm hỗ trợ định hình cơ sở hạ tầng Đông Nam Á.
Theo Nikkei Asia Review, việc xây dựng cây cầu mới nối liền Thái Lan và Myanmar đã và đang hỗ trợ Đông Nam Á tiến thêm một bước gần hơn đến việc hiện thực hóa sáng kiến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), kết nối biển Đông với Ấn Độ Dương. Cây cầu này nối liền thành phố Myawaddy, phía Đông Myanmar và thành phố Mae Sot, phía Tây Thái Lan. Cây cầu đã chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 10 vừa qua với tổng kinh phí xây dựng khoảng 140 triệu USD.


EWEC gồm 4 quốc gia nằm trong trung tâm bán đảo Đông Dương là Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, được thiết lập nhằm mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng của khu vực sông Mê Công, bao gồm cả Campuchia, tạo nên cơ hội tiếp cận đến thị trường Ấn Độ rộng lớn. Trên tuyến cao tốc mới này, việc phân phối hàng hóa sẽ trở nên thuận lợi hơn, nhất là khi các xe tải không phải đi qua các cung đường đông đúc trong khu đô thị, dễ dàng tiếp cận thị trường Ấn Độ rộng lớn qua vịnh Bengal. Ban đầu, thành phố Mawlamyine ở miền Đông Myanmar được chỉ định là điểm cuối cùng phía Tây của hành lang. Tuy nhiên, hành lang đã được mở rộng tới Yangon - thành phố lớn nhất của Myanmar và sẽ được liên kết với đặc khu kinh tế Thilawa đang phát triển dưới sự hỗ trợ giám sát của Nhật Bản. Trong một thông tin có liên quan, Tập đoàn Toyota Motor đang xây dựng một nhà máy trong khu vực này.

Cùng với việc xây dựng nên cây cầu mới, Myanmar và Thái Lan cũng đã bắt đầu triển khai thỏa thuận vận tải xuyên biên giới, trong đó cho phép phương tiện giao thông hai nước đi lại qua biên giới. Thỏa thuận này còn cho phép Thái Lan và Myanmar cấp phép cho các công ty hậu cần vận chuyển hàng hóa trực tiếp qua lại giữa Thilawa SEZ và cảng Laem Chabang - cảng hàng hải lớn nhất Thái Lan.

Thuộc Công ty Vận tải quốc tế AIT (Nhật Bản), Nissan Transport - công ty có trụ sở đặt tại Osaka hiện đang lên kế hoạch triển khai các dịch vụ trực tiếp trên tuyến đường này với đối tác địa phương của mình. Nhờ vào sự thuận lợi trong di chuyển, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Yangon đến Bangkok có thể sẽ giảm xuống còn khoảng 3 ngày.

Hiện việc xây dựng con đường huyết mạch cũng đang được thực hiện ở Việt Nam, Lào và Thái Lan. Ở khu vực biên giới Myanmar, dù công tác xây dựng gặp khó khăn bởi nhiều yếu tố khách quan, công trình vẫn liên tục tiến triển. Việc phát triển đoạn đường dài 90km đã bắt đầu khoảng 2 năm trước, với hỗ trợ kinh tế đến từ những khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Chính phủ Myanmar hy vọng tuyến đường mới sẽ được thông xe vào năm 2021. Ngay sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, thời gian di chuyển giữa Thái Lan và Myanmar sẽ mất không quá 24 giờ và mở ra cơ hội hợp tác, phát triển rộng rãi.

Các tin khác