Vướng đủ đường
Một trong những nguyên nhân khiến khu vực nội thành TPHCM quá tải về hạ tầng giao thông, xã hội là các trường học từ cơ sở, trung học đến cao đẳng, đại học tập trung quá nhiều trong nội thành.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM quy hoạch quỹ đất hơn 2.200ha tại các huyện ngoại thành để di dời các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên hơn 10 năm qua, nhiều khu vực được quy hoạch xong nhưng các trường nói trên vẫn không xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở mới để di dời ra ngoại thành, dẫn đến hàng ngàn ha đất bị bỏ hoang, đời sống người dân có đất bị thu hồi bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Hiện nay, TP đang chuẩn bị thành lập tổ công tác liên quan đến vấn đề giải quyết hồ sơ thủ tục trong lĩnh vực đầu tư để thực hiện việc cấp phép 1 cửa cho các chủ đầu tư. Qua đó, giúp nhà đầu tư thuận lợi trong việc xin các thủ tục đầu tư nhằm nhanh nhóng đưa nguồn vốn vào triển khai dự án. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP |
Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP, cho biết thời gian qua lãnh đạo TP đã chỉ đạo sát sao việc tìm kiếm nhiều nguồn lực để thực hiện quy hoạch, nhưng do còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều đồ án quy hoạch không khả thi. TP hiện có hơn 600 đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó có hơn 200 đồ án được thực hiện cách đây gần 5 năm đến nay có thể đã lạc hậu.
Thí dụ khu đô thi đại học khu Nam TP có diện tích rất lớn nhưng không có đường vào. Hay việc xử lý các dự án treo cũng gặp không ít khó khăn, nhất là những dự án có yếu tố nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể như dự án 130 Hàm Nghi (quận 1), 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai, khu đô thị Đại học Berjaya Tây Bắc Củ Chi…
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận, dù công việc lập quy hoạch đã được triển khai bài bản nhưng chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa thực tế với nhu cầu phát triển, dẫn đến việc thường xuyên điều chỉnh quy hoạch cục bộ, điều chỉnh dự án… Bên cạnh đó, một số quy hoạch được lập nhưng không có kinh phí để triển khai, nhất là quy hoạch giao thông, công viên, đã ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhiều dự án được quy hoạch, người dân đã giao đất nhưng chủ đầu tư chậm triển khai.
Theo ông Tuyến, để làm tốt công tác quy hoạch, trong thời gian tới, UBND TP công khai phần mềm trực tuyến quy hoạch chi tiết 1/500 để người dân, nhà đầu tư tìm hiểu. TP cũng tiến hành lập quy hoạch không gian ngầm. Trong quý II-2018 TP sẽ khánh thành Trung tâm Triển lãm quy hoạch, nơi tổ chức các sự kiện về vấn đề quy hoạch. Đối với vấn đề thu hồi dự án quá hạn, TP đang rà soát, đánh giá quỹ đất để phân loại, đánh giá và đưa ra phương án sử dụng đất hiệu quả nhất.
Dự án Khu đô thị Đại học Berjaya Tây Bắc Củ Chi bị thu hồi chủ trương đầu tư do chậm thực hiện nhưng TP đang vướng xử lý.Ảnh: TR. Giang
Công bằng cho người bị thu hồi đất
Một trong những nguyên nhân nhiều dự án quy hoạch treo là dự án bị đền bù giải tỏa kiểu “da beo”, do người dân không đồng tình về giá đền bù. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP đang rà soát lại để sớm ban hành quyết định về giá đất đền bù trên địa bàn cho phù hợp. Đối với đất nông nghiệp, TP tiến hành rà soát lại và sớm đưa đất vào sản xuất kinh doanh. Về vấn đề hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, UBND TP tiếp tục làm theo Nghị quyết 16 của HĐND TP; nắm lại những trường hợp khó khăn để có chính sách giúp người dân ổn định cuộc sống. Mặt khác, TP cũng tính toán việc triển khai các dự án tái định cư một cách hợp lý để tránh tình trạng lãng phí.
Ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, đề nghị xem lại cuộc sống của người dân sau tái định cư, vì hiện nay đa phần người dân được bố trí tái định cư đều bán căn hộ. Quan điểm của TP là làm sao để người bị thu hồi đất có chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ, nhưng thực tế nhiều người dân sau khi nhận nhà đã bán đi nơi khác ở. “Chúng ta phải có cuộc khảo sát, điều tra để tìm hiểu rõ nguyên nhân, khắc phục những tồn tại người dân mới an cư được” - ông Danh nói.
Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của TP, ông Danh cho rằng hiện nay nhiều diện tích đất ở một số lĩnh vực, đất quy hoạch vừa dư thừa, vừa thiếu nhưng TP chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Một vấn đề khác là các dự án khi thực hiện cần quan tâm kỹ trong việc tích hợp quy hoạch, vì thực tế có những hộ dân bị giải tỏa tới 2-3 lần nên cần cân nhắc kỹ và khi tiến hành thu hồi đất nên xem xung quanh dự án còn có những dự án quy hoạch nào cần thu hồi đất hay không để thực hiện thu hồi 1 lần giúp người dân sớm an cư.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, việc giám sát công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch rất quan trọng. UBND TP trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TP và đã tạo sự chuyển biến nhất định giúp cho TP tiết kiệm được quỹ đất, cũng như giải quyết những bức xúc của người dân, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội với những hộ dân, người dân bị giải tỏa, bồi thường tái định cư.
Tuy nhiên, theo bà Tâm, công tác điều tra xã hội học HĐND TP giao trong Nghị quyết 16 với những thông số đưa ra để từ đó giúp UBND TP có chính sách kịp thời, song đến nay vẫn chưa được thực hiện tốt. Cụ thể phải điều tra xã hội học trước khi triển khai dự án để việc tái định cư được bài bản, đảm bảo chất lượng. UBND TP phải có giải pháp hỗ trợ cho từng đối tượng bị ảnh hưởng của việc triển khai các dự án quy hoạch, việc thực hiện chính sách cào bằng cho nhiều đối tượng chịu ảnh hưởng là không công bằng.