Khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam

 

(ĐTTC) - Sáng nay, 27-5, trước thềm Hội nghị CG giữa kỳ năm 2011, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) - kênh đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam muốn lắng nghe các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô - nhiệm vụ quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011.

Qua đó, Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể, hoặc điều hành sát thực hơn nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11, đưa nền kinh tế Việt Nam dần trở lại ổn định và lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết trong những tháng đầu năm 2011, tình hình kinh tế rất khó khăn nhưng điều đáng ghi nhận là Chính phủ đã kịp thời đưa các giải pháp mạnh mẽ để ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong đó, Chính phủ đã giải quyết khá tốt vấn đề tỷ giá, bình ổn thị trường ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ theo hướng tác động giảm tổng cầu để kiềm chế lạm phát cũng bước đầu phát huy tác dụng…

Tuy nhiên, các chính sách này cũng phần nào ảnh hưởng tới hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Lãi suất vay tăng cao vượt sức chịu đựng của hầu hết doanh nghiệp; quy định về khống chế tăng trưởng tín dụng khiến việc tiếp cận vốn vay rất khó khăn, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thiếu vốn khiến nhiều doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, đình hoãn các dự án mở rộng sản xuất…

Tại diễn đàn, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, cũng như các nhóm công tác của diễn đàn về ngân hàng, thị trường vốn, cơ sở hạ tầng… đã nêu lên quan điểm của mình về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như những bất cập trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Khẳng định các giải pháp ngắn hạn để ổn định kinh tế vĩ mô trong Nghị quyết 11 của Chính phủ là đúng hướng, nhưng ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vẫn mong muốn Chính phủ cần có những chính sách đáng tin cậy và ổn định lâu dài.

Cụ thể, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư chất lượng cao trong các ngành giá trị gia tăng, hơn là cho phép thực hiện các dự án đầu tư ngắn hạn có tính chất đầu cơ.

 Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, ông Brett Krause, Trưởng nhóm Công tác ngân hàng của VBF, cho biết hiện NHNN đang soạn thảo một cơ chế lãi suất cơ bản mới, cho phép thị trường vận hành một cách tự do: “Chúng tôi ủng hộ sáng kiến này, nhưng đề nghị NHNN chính thức xóa bỏ trần lãi suất để giúp các ngân hàng có thể giải quyết thanh khoản và nhu cầu vốn của mình”.

Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, ông Tony Foster, Trưởng nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của VBF, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cơ chế hợp tác công - tư (PPP) trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Tony Foster, Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá xếp hạng cuối cùng trong chỉ số năng lực cạnh tranh về chất lượng cơ sở hạ tầng so với các nước lân cận. Do thiếu thốn về cơ sở hạ tầng mà Việt Nam đang thiệt hại hàng tỷ USD.

Theo tính toán, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 160 tỷ USD để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu chính phủ và viện trợ phát triển chỉ đáp ứng được 1 nửa.

 Điều này có nghĩa hơn 50% đầu tư phải huy động từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do vậy, cần phát huy hiệu quả của cơ chế BOT và PPP.

Các tin khác