Khái niệm dân thụ hưởng?

(ĐTTCO) - Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, có điểm mới nhiều người rất đồng tình và tâm đắc, đó là khái niệm “dân thụ hưởng”. Vậy làm sao để người dân được thụ hưởng đúng nghĩa? 
Khái niệm “dân hưởng thụ” trong dự thảo văn kiện, được PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng, cho rằng đây là biểu hiện của sự quan tâm đến đời sống người dân, đến những quyền lợi sát sườn, những nhu cầu xứng đáng được hưởng của người dân.
Còn GS.TS Phùng Hữu Phú nhận định: “Trước đây chúng ta nói cơ chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, lần này thêm “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đó là quy luật, làm phải được thụ hưởng, còn nếu làm không thụ hưởng không ai làm. Động lực chính là lợi ích. Lợi ích phải hài hòa tổng thể lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Chúng ta phải hoàn thiện điều này”. 
Khái niệm dân thụ hưởng? ảnh 1
Khái niệm “dân thụ hưởng” liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân. Và điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như đòi hỏi mở rộng cơ chế dân chủ cơ sở. Người dân không chỉ được quyền cung cấp thông tin về đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước, bàn bạc và chất vấn các văn bản hành chính, kiểm soát thực thi các chính sách, còn được quyền đón nhận những điều tích cực nhất. Rõ ràng, để “dân thụ hưởng” đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy công quyền phải thật sự tận tụy và sự cống hiến vượt trội hơn nữa. Có nghĩa phải chấm dứt các hành vi và thủ tục mang xu hướng dồn đẩy cái khó cho người dân.
Cũng tương tự khái niệm “dân hưởng thụ” trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa tiêu chí “chỉ số hạnh phúc” vào nghị quyết. Theo tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy: “Ý tưởng này xuất phát từ nhận định, nếu đặt nặng vấn đề tăng trưởng và thu ngân sách Yên Bái mãi là tỉnh khó khăn, là tỉnh nghèo, có trình độ phát triển thấp. Bởi vậy, địa phương chọn hướng đi làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc”. Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đánh giá trên 3 yếu tố: sự hài lòng về điều kiện kinh tế xã hội, tuổi thọ trung bình và môi trường sinh thái. 
Con người sinh ra không chỉ chăm lo cho cái ăn và cái mặc, còn nhiều quan hệ tình cảm cũng như nhiều khát vọng tương lai. Ước mơ giàu sang hoặc cơ hội sáng tạo của từng cá nhân, cũng là đòn bẩy quan trọng cho mỗi địa phương và mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Hiện nay, đã có nhiều nước đặt tổng hạnh phúc quốc gia - GNH ở vị trí then chốt hơn cả tổng sản phẩm nội địa - GDP. Vì vậy, từ câu chuyện Yên Bái gợi mở nhiều suy tư cho cả Việt Nam về chỉ số hạnh phúc, khi tài nguyên thiên nhiên và niềm tin con người đang bị khai thác cạn kiệt bởi các tệ nạn từ “tham nhũng vặt” đến “ăn quá dày”.
Muốn “dân hưởng thụ” có lẽ phải nghĩ đến túi tiền của người lao động. Mức thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã hợp lý chưa? Từ ngày 1-7-2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế 11 triệu đồng/tháng, và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng. Nghĩa là cá nhân có thu nhập dưới 15 triệu đồng phải nuôi dưỡng 1 người thân không phải nộp thuế. Đành rằng, thuế thu nhập cá nhân cũng là nguồn thu quan trọng cho ngân sách.
Thế nhưng, nếu làm phép toán để người nộp thuế chỉ đủ duy trì cơm áo sẽ không thể thúc đẩy xã hội phát triển. Ở ngưỡng thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân, người lao động vẫn đảm bảo cái ăn, cái mặc nhưng không thể đầu tư cho những hoạt động khác nhằm nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân. Nếu từng công dân chỉ biết quanh quẩn cơm canh thường ngày, rõ ràng chất lượng sống của cộng đồng rất thấp.
Khái niệm “dân thụ hưởng”, nói cho cùng là làm sao mọi văn bản được ban hành, hay mọi dự án được triển khai đều hướng đến lợi ích thiết thực của người dân, ngăn chặn mọi biểu hiện “lợi ích nhóm”. Và người dân chỉ thực sự được thụ hưởng, khi và chỉ khi mối quan hệ giữa người dân và chính quyền trở thành dịch vụ công ích minh mạch, chứ không phải “xin- cho” hay “ban phát”. 

Các tin khác