Dự án chậm triển khai, thu hồi ngay
Cho đến thời điểm này, thành phố đã thu hồi khoảng 200 dự án không triển khai thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm, với tổng diện tích hơn 1.000ha. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, thành phố hiện có trên 4.800 dự án được đưa vào quy hoạch tổ chức thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020, việc thực hiện số dự án này sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo pháp luật về đất đai.
Luật Đất đai quy định, nếu dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất 3 năm nhưng chủ đầu tư không tiến hành đầu tư xây dựng thì cơ quan chức năng sẽ đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân. Cũng phải nói rõ, theo Luật Đất đai, nếu dự án được đưa vào kế hoạch sử dụng đất đồng thời có thông báo thu hồi đất thì quyền lợi của người dân mới bị giới hạn. Còn như dự án có trong quy hoạch sử dụng đất nhưng chưa có thông báo thu hồi đất của cơ quan chức năng, thì quyền lợi của người dân vẫn được đảm bảo.
Hiện TPHCM có Nghị quyết 21 của HĐND TP về kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất (thay thế Nghị quyết 16). Trước kia, khi tiến hành rà soát dự án theo Nghị quyết 16, thành phố đã thu hồi 547 dự án chậm triển khai và khôi phục các quyền hợp pháp cho người dân.
Cụ thể, khi các dự án được đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất, ngành TN-MT và các sở ngành liên quan cùng với UBND quận huyện đã xem xét điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với thực tế, vừa đảm bảo các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân. Trên cơ sở đó, sẽ giải quyết cho người dân được chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là một trong những yêu cầu bức thiết nhất của người dân, bởi khi được chuyển mục đích sử dụng đất theo yêu cầu thì người dân sẽ có điều kiện để sử dụng đất hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để đảm bảo cho sự phát triển của đô thị nói chung, trước khi ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư hay quyết định giao đất của một dự án nào đó, ngành tài nguyên sẽ làm việc rất nhiều lần với các quận huyện, làm việc với chủ đầu tư để xem xét những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến dự án bị chậm trễ, rồi mới có quyết định cuối cùng. Việc xem xét sẽ phải sâu sát đến từng dự án. Trong thời hạn 3 năm, có dự án chỉ bồi thường được 10% nhưng cũng có dự án bồi thường được 80%. Với những dự án đã bồi thường được nhiều, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn chủ đầu tư có cách giải quyết hợp tình, hợp lý hơn. Ví dụ, có thể đề nghị chủ đầu tư lập dự án mới trên phần diện tích đã bồi thường nếu phù hợp với quy hoạch. |
Chọn nhà đầu tư có năng lực
Có một thực tế, để phát triển thêm các khu dân cư mới, đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc của người dân thì vẫn rất cần thực hiện các dự án phát triển bất động sản. Do vậy, ở một góc độ khác, TPHCM đang thực hiện một giải pháp được nhiều chuyên gia đánh giá là khả thi.
Đó là việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực trước khi cho tham gia đấu giá thực hiện dự án. TPHCM đã thực hiện giải pháp này khi khai thác 9 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cụ thể, sau khi UBND TP phê duyệt danh sách các nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực để tham gia đấu giá thì cơ quan chức năng mới tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất (chỉ có các nhà đầu tư có tên trong danh sách nói trên và nộp tiền đặt trước theo quy định mới được tham gia đấu giá). Khoản tiền đặt trước tương đương 20% giá khởi điểm của 9 lô đất bán đấu giá.
Sau khi trúng đấu giá doanh nghiệp không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà bắt buộc phải đầu tư dự án theo quy hoạch đã được duyệt. 9 lô đất này có tổng diện tích hơn 77.606m2, diện tích sàn xây dựng 632.500m2, hiện đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, 6 lô được quy hoạch là khu dân cư đa chức năng cao từ 10 đến 15 tầng; 3 lô làm khu thương mại đa chức năng cao từ 30 đến 50 tầng. Những ràng buộc nói trên buộc doanh nghiệp thực sự đủ năng lực mới có thể tham gia đấu giá, để qua đó tài nguyên đất được đưa vào khai thác hiệu quả hơn.