(ĐTTCO) - Tọa trên ngọn núi Lạn Kha đã gần ngàn năm, chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc, phong cách Phật giáo thời nhà Lý.
Đến nay, chùa Phật Tích vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, vừa là nơi có cảnh đẹp thanh bình thu hút hàng trăm du khách hành hương mỗi ngày.
Tọa trên ngọn núi Lạn Kha đã gần ngàn năm, chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc, phong cách Phật giáo thời nhà Lý. Đến nay, chùa Phật Tích vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, vừa là nơi có cảnh đẹp thanh bình thu hút hàng trăm du khách hành hương mỗi ngày.
Chùa cổ ngàn năm tuổi
Đất Kinh Bắc xưa vốn là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, có rất nhiều ngôi chùa cổ được xây dựng cách đây hàng ngàn năm như chùa Dâu, chùa Tổ, chùa Bút Tháp... Theo thư tịch cổ để lại, chùa Phật Tích còn được gọi là chùa Vạn Phúc được xây dựng vào năm 1057, niên hiệu Thái Bình thứ 4, đời vua Lý Thánh Tông.
Sở dĩ chùa có tên gọi Phật Tích vì năm 1066, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng một tháp cao nhưng sau đó tháp đổ và lộ ra một bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối, dát vàng bên ngoài. Từ sự kiện này, dân làng đổi tên làng thành Phật Tích và ngôi chùa cũng có tên là Phật Tích.
Chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lý được thể hiện qua 3 bậc nền tạc vào sườn núi đó là những tường kè đá lớn được dựng đứng như bức tường dài cao từ 3-5m. Ở giữa là lối đi chung, rộng khoảng 5m và có 80 bậc. Bước qua 30 bậc đá sẽ đến tam quan chùa, tầng 2 đặt chuông và khánh của chùa.
Qua tam quan là sân chùa rộng, tương truyền trước kia trồng rất nhiều hoa mẫu đơn. Theo huyền thoại, xưa kia vùng núi Phật Tích và vườn chùa Phật Tích trồng nhiều hoa mẫu đơn. Hàng năm, mỗi khi xuân về hoa mẫu đơn nở đỏ rực cả một góc trời.
Khắp nơi, người người đổ về đây trảy hội ngắm hoa vãn cảnh chùa. Trên trời, nàng tiên Giáng Hương thấy cảnh trần gian tuyệt đẹp, đã xin giáng trần dự hội chùa. Nhưng vô tình nàng đánh gãy một cành hoa mẫu đơn giữa cửa chùa, nên bị chú tiểu giữ lại.
Chàng Từ Thức bèn cởi áo khoác xin chuộc tội cho nàng. Cảm động với nghĩa cử cao đẹp của chàng trai hào hoa phong nhã, nàng Giáng Hương đã ngỏ lời hò hẹn với chàng và đã mời chàng về chốn “bồng lai” xin kết duyên vợ chồng. Từ đó câu chuyện tình thơ mộng “Từ Thức gặp tiên” đã sống mãi với lễ hội Khán hoa mẫu đơn của chùa Phật Tích.
Chùa Phật Tích có kiến trúc nội công ngoại quốc. Trong chùa Phật Tích còn lưu giữ bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh cao khoảng 1,8m, đây là một bức tượng quý giá có niên đại từ thời nhà Lý, một tuyệt tác nghệ thuật điêu khắc vẫn còn tồn tại tới ngày nay.
Bức tượng Phật A-di-đà được tạc bằng đá xanh ngồi thiền trên tòa sen, được đặt trên bệ đá hình bát giác, hoa văn rồng thời Lý rất đặc trưng. Ngoài ra, chùa còn có vườn tháp cổ là nơi tôn nghiêm đặt 32 ngọn tháp xây bằng đá nơi cất giữ xá lợi của các nhà sư trụ trì chùa.
Chinh phục núi Lạn Kha
Không gian chùa Phật Tích xanh mát và quang đãng, có những rặng cây thông thẳng tắp và xanh mướt quanh năm. Du khách có thể ghé thăm chùa Phật Tích vào mọi thời điểm trong năm. Đặc biệt vào dịp lễ hội Khán hoa mẫu đơn, du khách sẽ được ngắm hàng trăm khóm hoa mẫu đơn nở rực rỡ ở sân chùa. Hội Khán hoa mẫu đơn được tổ chức từ ngày 4-5 tháng Giêng (âm lịch), trong đó ngày mùng 4 là chính hội. Lễ hội gồm có phần lễ và phần hội.
Trong đó, phần lễ gồm hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu quốc thái dân an, cầu bình an cho nhân dân, phật tử. Phần hội gồm các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tại trung tâm lễ hội.
Đây là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh. Việc tổ chức lễ hội nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, khơi dậy lòng tự hào của nhân dân địa phương về di sản văn hóa; đồng thời cổ vũ động viên nhân dân thi đua yêu nước, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Điểm nhấn lớn nhất trên núi Phật Tích chính là tòa tháp màu nâu cao sừng sững và tượng Phật bằng đá ngoài trời đối xứng nhau. Ngọn tháp cao nhất có tên tháp Phổ Quang cao khoảng 40m, vào những lúc trời quang đãng có thể nhìn thấy ngọn tháp từ địa phận TP Hà Nội.
Khách tham quan có thể leo lên trên tháp để ngắm cảnh non nước Kinh Bắc, ngắm nhìn ra sông ĐuVãng cảnhống mộng mơ. Tượng Phật A-di-đà được đặt đối xứng tháp trên 2 chỗ cao nhất của núi như một bức tranh nghệ thuật độc đáo.
Vãng cảnh chùa Phật Tích đem đến cho du khách sự yên tĩnh, thanh tịnh và một tâm hồn thư thái khi về với chốn cửa thiền. Du khách ngoài chiêm bái, lễ Phật có thể ghé thăm một số di tích lịch sử như bộ 10 linh thú đá được điêu khắc tinh xảo đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017.
Hoặc nghỉ ngơi, hòa mình vào thiên nhiên tại các triền đồi thông. Các rặng thông lên núi xanh quanh năm, ở dưới nền là lớp lá khô tạo nên khung cảnh lãng mạn đặc biệt vào những ngày trời thu, thông tỏa ra một mùi hương quyến rũ, ngọt ngào, các gốc thông thường được du khách chọn để nghỉ ngơi sau khi leo lên núi được quãng đường.
Chỉ nằm cách trung tâm TP Bắc Ninh khoảng 15km về phía Đông Nam, du khách có thể đi xe máy hoặc đi xe bus tuyến 04 Lim - Thành Đô từ bến xe Bắc Ninh. Nếu di chuyển từ Hà Nội, du khách có thể đi theo Quốc lộ 1A tới khu đô thị Hoàn Sơn rồi rẽ phải khoảng 5km đã đến chân núi Phật Tích linh thiêng.
Kinh nghiệm đi du lịch, tham quan chùa Phật Tích
Vãng cảnh và leo núi Phật Tích cần ít nhất 1 ngày nên du khách có thể mang theo đồ ăn nhẹ, nước uống và chuẩn bị một sức khỏe tốt để leo núi. Du khách nên ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng. Để leo núi, du khách hãy chọn những đôi giày dép dễ tháo, dễ đi để vào lễ chùa cũng như leo bậc thang dễ dàng. Đồng thời không được tự ý ngắt hoa, bẻ cành, và không đi tự do, gây ồn ào trong khuôn viên chùa. Vào dịp lễ hội cần chú ý cẩn thận giữ gìn tài sản và nên hỏi giá cả trước khi mua đồ, xin viết sớ trong khuôn viên chùa.