Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở kết quả kiểm tra và các nghiên cứu đánh giá về thực trạng, nguyên nhân và dự báo nguy cơ sạt lở (đã và đang thực hiện), đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân, đồng thời có phương án chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 nhằm chủ động ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra tại ĐBSCL.
Trước diễn biến của sạt lở bờ sông, đê biển ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Tiền Giang vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên địa bàn tỉnh, gồm các khu vực: bờ sông Bảo Định (TP Mỹ Tho); đê biển Gò Công, đoạn từ cống Tân Thành đến cầu Rạch Gốc (huyện Gò Công Đông); bờ sông Tiền, khu vực cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) và khu dân cư ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.
UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở TN-MT và chính quyền các địa phương vùng bị sạt lở cùng các đơn vị liên quan tổ chức khoanh vùng khu vực đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở; thiết lập hành lang an toàn và vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ bị sạt lở nguy hiểm; lắp đặt biển báo khu vực bị sạt lở; xây dựng phương án bảo vệ trình UBND tỉnh phê duyệt. Hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có trên 100 điểm sạt lở bờ biển, bờ sông. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã xảy ra 87 điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch với chiều dài gần 4.500m.
Chiều 24-9, Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cùng UBND huyện Cao Lãnh và các ngành chức năng tổ chức lễ khánh thành công trình kè mềm chống sạt lở bờ sông Cần Lố (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) với tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ đồng. Đây là công trình khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng thời gian qua trên tuyến đường Thiên Hộ Dương, cạnh bờ sông Cần Lố, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và đe dọa đến tài sản, tính mạng người dân.