20 năm phát triển thời trang An Phước

Khẳng định thương hiệu đẳng cấp

Thương hiệu thời trang cao cấp An Phước đang dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu của giới trung lưu thành đạt tại Việt Nam. Song điều bất ngờ những người tạo dựng thương hiệu đẳng cấp ấy không phải là một tập đoàn lớn, mà từ đôi vợ chồng khởi nghiệp ban đầu từ một cơ sở may chỉ vài chục người, nhưng đã làm vang danh thương hiệu An Phước bằng chính chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Thương hiệu thời trang cao cấp An Phước đang dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu của giới trung lưu thành đạt tại Việt Nam. Song điều bất ngờ những người tạo dựng thương hiệu đẳng cấp ấy không phải là một tập đoàn lớn, mà từ đôi vợ chồng khởi nghiệp ban đầu từ một cơ sở may chỉ vài chục người, nhưng đã làm vang danh thương hiệu An Phước bằng chính chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Hành trình đặt nền móng

Thành công trên bước đường phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu Việt của  An Phước trước hết xuất phát từ con người. Công ty may mắn có được những nhà quản trị yêu nghề, tận tụy với nghề, có óc cầu tiến, sáng tạo, luôn sẵn sàng tiếp thu cái mới, nắm bắt nhanh cơ hội, mạnh dạn đầu tư cho phát triển. Công ty cũng có được một đội ngũ các cấp quản lý và công nhân lao động có kỹ năng, chuyên nghiệp, siêng năng, cần mẫn, chịu khó học hỏi, có tinh thần cầu tiến, có tác phong công nghiệp, gắn bó lâu dài với công ty. Nhờ vậy sản phẩm An Phước làm ra luôn luôn có chất lượng cao, được người tiêu dùng Việt Nam và khách hàng nhiều nước đánh giá cao.

Ông Giang Văn Thinh (Trần Chiến), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH May Thêu Giày An Phước

Tiếp xúc với bà  Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty TNHH May Thêu Giày An Phước, ấn tượng để lại đối với nhiều người là ở người phụ nữ này toát lên vẻ thanh lịch, năng động, bản lĩnh. Bà thuộc tuýp người của công việc và có trái tim nhân ái, luôn lắng nghe và thích chia sẻ.

Nhắc lại những ngày đầu khởi nghiệp 20 năm trước, bà kể năm 1977, tốt nghiệp Đại học Ngân hàng Khoa ngoại hối, bà về làm việc tại Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Sở Ngoại thương TPHCM (Imex SaiGon, về sau đổi tên thành Imexco). Đến năm 1989, trụ sở cơ quan tại số 8 Nguyễn Huệ (quận 1) bị cháy khiến anh em phân tán, nghỉ làm. 2 năm sau bà cũng xin nghỉ việc.

Vốn là người thích may vá, sẵn gia đình có mặt bằng tại số 100/11-12 An Dương Vương, quận 5 (hiện nay là Văn phòng của Công ty TNHH May Thêu Giày An Phước), bà quyết định mua 40 máy may, tuyển 60 công nhân và lập nên cơ sở may thêu An Phước.

Ban đầu cơ sở của bà nhận gia công hàng may mặc cho các đơn vị lớn trong nước. Năm 1992, một khách hàng lớn của Nhật Bản là Nissho Iwai.Corp, đã trực tiếp đặt hàng gia công. Nắm bắt cơ hội này, bà quyết định đầu tư thêm 120 máy may, đồng thời tuyển thêm lao động, nâng số công nhân lên 300 người.

Với tiêu chí chất lượng sản phẩm là trên hết, cơ sở thêu may của bà đã nhận được sự tín nhiệm lớn của nhiều khách hàng. Nhờ vậy, theo thời gian, đơn hàng phát triển liên tục.

Đến năm 1993, do quy mô hoạt động lớn, theo Luật DN, bà thành lập Công ty May Thêu Giày An Phước. Năm 1995, bà có thêm khách hàng Itochu Corp, rồi số lượng máy phát triển đến 1.000 với 1.200 công nhân.

Dây chuyền may áo sơ mi tại xưởng sản xuất của An Phước.

Dây chuyền may áo sơ mi tại xưởng sản xuất của An Phước.

Con tàu An Phước đang thuận buồm thì gặp phải trận bão lớn. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á vào năm 1997 đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất của công ty. Đơn hàng cứ thế bị thu hẹp dần.

Thời điểm đó công ty vẫn tiếp tục may gia công cho thương hiệu toàn cầu Pierre Cardin thông qua Tập đoàn Nissho Iwai.Corp, nhưng để nuôi đội quân trên 1.200 công nhân, số lượng đơn hàng hiện có chẳng thấm tháp gì so với chi phí. Sau hơn 5 năm hoạt động với những bước tiến thần kỳ, An Phước đứng bên vực phá sản.

Trong hoàn cảnh khó khăn này, công ty An Phước may mắn được ông Nguyễn Du, người đại diện Tập đoàn Pierre Cardin Việt Nam tại Đông Nam Á, đến thăm. Trực tiếp chứng kiến đơn vị gia công có sản phẩm chất lượng, đội ngũ công nhân tay nghề cao, mô hình tổ chức đơn vị bài bản, vị này đã đặt vấn đề: “Với nội lực này, tại sao An Phước không đầu tư bản quyền của Tập đoàn Pierre Cardin để khai thác tại 3 nước Việt Nam - Lào - Camphuchia?”.

Bước ngoặt và bản lĩnh

Ông Trần Chiến, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH May Thêu Giày An Phước, chia sẻ: "Trước lời đề nghị mua lại bản quyền của Tập đoàn Pierre Cardin, An Phước như được mở cờ trong bụng, vì đã tìm thấy được lối thoát cho công ty cũng như cho cả ngàn lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc.

Người ta vẫn thường nói, đời người có những giai đoạn diễn tiến như hình sin trong toán học, lúc đỉnh điểm nhất cũng là lúc nguy cơ trượt dốc cao nhất. Ngược lại, khi bị rơi xuống đến tận cùng cũng có nghĩa sắp được leo lên. Tuy nhiên, quá trình đi lên này còn tùy thuộc vào khả năng ở mỗi người.

Nguyễn Thị Điền,
Tổng giám đốc  Công ty TNHH May Thêu Giày An Phước

Tuy vậy, đầu tư lớn cũng có nghĩa rủi ro cao. Bỏ ra số tiền hàng trăm ngàn USD để nhập chuyền may, mua nguyên phụ liệu… không hề nhỏ vào thời điểm này.

Có nghĩa vợ chồng tôi sẽ đặt cược tất cả gia tài vào “cuộc chơi” này, nếu thất bại sẽ trắng tay”. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Chiến quyết định ngưng hết mọi hoạt động kinh doanh của mình ở một lĩnh vực khác tại miền Tây, trở về cùng vợ chung lưng đấu cật cứu An Phước.

Ông xác định đây chính là cơ hội lớn để An Phước thể hiện là một DN Việt Nam có thể  may sản phẩm mang thương hiệu đẳng cấp toàn cầu để phục vụ người tiêu dùng trong nước.

“Lúc ấy, tôi mang niềm tin mãnh liệt rằng An Phước hoàn toàn có thể làm được điều này trên cơ sở năng lực lõi của công ty. Đó chính là chất lượng sản phẩm được làm ra từ đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Điều này đã được kiểm chứng qua nhiều năm gia công cho Nhật Bản, một khách hàng rất khó tính và luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu” - ông Trần Chiến nhớ lại. Tháng 6-1997, An Phước chính thức ký hợp đồng với Tập đoàn Pierre Cardin để mua bản quyền khai thác tại Việt Nam - Lào - Campuchia.

Ông Trần Chiến và ngài Pierre Cardin tại văn phòng Pierre Cardin lần đầu tiên năm 1997.

Ông Trần Chiến và ngài Pierre Cardin
tại văn phòng Pierre Cardin lần đầu tiên năm 1997.

Kiên trì, quyết đoán và khi đã quyết định phải đi đến cùng, đó là tâm niệm của vợ chồng doanh nhân này. Ông Chiến tâm sự: “Một khởi đầu tốt không quan trọng bằng một kết thúc tốt. Nhiều năm bôn ba trên thương trường, chúng tôi tự tin vào khả năng quản lý sản xuất của mình. Việc ký kết mua lại bản quyền của Pierre Cardin, về kỹ thuật may phía đối tác sẽ hỗ trợ. Vấn đề quan trọng còn lại là tìm nguồn nguyên phụ liệu, chất lượng vải tốt, đẹp”.

Để sản phẩm của mình làm ra không thua kém các nước, ông qua Nhật Bản tìm hiểu kinh nghiệm thiết kế, chọn lựa nguyên phụ liệu. Ông còn đến các nước châu Âu học hỏi cách thiết kế, trưng bày sản phẩm trong cửa hàng, thậm chí từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhưng góp phần làm nên đẳng cấp của sản phẩm tại các cửa hàng hiệu, như cách mắc áo quần, cách trưng bày cà-vạt… Tất cả đều phải chỉn chu.

Tuy nhiên, ra biển lớn mới thấy sóng dữ. Việc mua thương hiệu đẳng cấp toàn cầu phải đi kèm với điều kiện quy định về giá cả của phía bán thương hiệu. Cụ thể, ở thời điểm đó, quy định của Tập đoàn Pierre Cardin về giá bán 1 sản phẩm áo sơ mi không được dưới 35USD.

“Thực tế cho thấy, với mức giá này ở thời điểm đó chỉ một bộ phận người tiêu dùng sử dụng. Mình có muốn giảm giá thấp hơn cũng không được, trong khi công ty luôn muốn sản phẩm của mình được đến rộng rãi người tiêu dùng hơn. Mặt khác, khi sản phẩm bán ra hạn chế cũng ảnh hưởng đến doanh thu, thu nhập người lao động” - bà Điền chia sẻ.

Lúc đó, ông Chiến lại có tâm tư khác: “Với năng lực lõi, An Phước đã tạo ra được sản phẩm chất lượng mang thương hiệu toàn cầu, tại sao không tự mình làm ra sản phẩm mang thương hiệu của DN trong nước nhưng chất lượng không thua kém hàng hiệu quốc tế?”

Từ suy nghĩ này, sau khi thương thảo với chủ Tập đoàn Pierre Cardin về việc tận dụng năng lực, tay nghề, kỹ thuật của nước ngoài, ông Chiến cho nhập vải, nguyên phụ liệu sản xuất sản phẩm cùng loại gồm quần tây, áo vest, áo sơ mi trên dây chuyền sản xuất hàng Pierre Cardin để sản xuất mặt hàng cùng phân khúc mang thương hiệu An Phước, với giá cả thấp hơn phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước.

Chỉ sau một thời gian ngắn, cuối năm 1997 cửa hàng đầu tiên bán sản phẩm mang nhãn hiệu toàn cầu Pierre Cardin và An Phước ra đời (cửa hàng số 1) tại số 100/11-12 An Dương Vương quận 5, TPHCM. Đến tháng 6-1998, cửa hàng thứ 2 ra đời tại khách sạn New Word quận 1.

Kể từ đây thương hiệu thời trang may mặc với sơ mi, quần tây, vest thương hiệu An Phước đã song hành cùng thương hiệu Pierre Cardin. Bước ra từ cái bóng khổng lồ của thương hiệu Pierre Cardin, sự ước vọng về người Việt Nam may sản phẩm thương hiệu toàn cầu cho chính người Việt Nam sử dụng của ông bà đã thành hiện thực.

Ước vọng vươn xa

Ứng xử trong cuộc sống như thế nào ông, bà cũng thể hiện rõ bản chất ấy trong kinh doanh. Tính chân tình, chân thật, ghét sự dối trá đã được ông bà thể hiện ngay trong từng sản phẩm. Cùng với quá trình làm việc với đối tác Nhật Bản trong suốt thời gian dài, học ở họ tính kỷ luật cao, luôn xem chất lượng sản phẩm là hàng đầu, sản phẩm Pierre Cardin - An Phước đã dần chiếm được lòng tin và ưa thích của người tiêu dùng.

“Tôi tâm niệm khi đã chọn phân khúc người tiêu dùng là khách hàng thành đạt, giới thượng lưu, điều quan trọng là phải hiểu rõ yêu cầu của họ cao như thế nào đối với sản phẩm của mình. Giá cả luôn phải đi đôi với chất lượng” - ông Chiến thể hiện quan điểm.

Còn với bà Điền, đó là đạo đức của người làm kinh doanh: “Làm kinh doanh không được dối trá”. Bà luôn đặt mình vào vị trí khách hàng để ứng xử. Theo đó, An Phước không phân phối sản phẩm ra ngoài đại lý và thực hiện chung một chính sách chăm sóc khách hàng trên hệ thống hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc.

Cửa hàng trưng bày thời trang An Phước theo đúng phong cách góp phần làm nên đẳng cấp thương hiệu sản phẩm.

Cửa hàng trưng bày thời trang An Phước theo đúng phong cách
góp phần làm nên đẳng cấp thương hiệu sản phẩm.

Có lẽ ít ai biết được rằng, để thật sự an tâm về sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng, ông Chiến là người mặc thử sản phẩm đầu tiên để cảm nhận tất cả về nó trước khi đưa vải lên chuyền may, sau đó sản phẩm phải qua tiếp 5 giai đoạn kiểm duyệt khắt khe.

Ông bà yêu cái đẹp và luôn muốn mang cái đẹp chỉn chu đến cho người khác. Đi công tác qua lại các nước châu Âu, lần nào cũng vậy, điểm đến không thể thiếu của ông bà là các cửa hàng thời trang. Kinh doanh mặt hàng mang tính thẩm mỹ cao, ngoài việc không ngừng sáng tạo cái đẹp, cái mới, ông bà không ngừng học hỏi, tiếp thu những tiến bộ trong lĩnh vực này.

Ông bà tâm niệm xây dựng thương hiệu không khó, nhưng giữ được thương hiệu mới khó. Chỉ những người đam mê nghề, yêu cái đẹp trong ngành thời trang như ông bà mới có thể làm được điều này.

Với quy mô vốn ban đầu 1 tỷ đồng, đến năm 2012, tổng vốn công ty đã tăng lên 450 tỷ đồng, chưa tính giá trị máy móc 99 tỷ đồng, An Phước được đánh giá là DN có công nghệ tiên tiến ngang tầm các nước trong khu vực. Từ 40 máy may ban đầu, nay công ty đã phát triển 9 nhà máy với trên 5.000 công nhân.

Doanh thu của công ty gia tăng theo từng năm, trung bình khoảng 20%/năm, ngay cả trong lúc kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chặt chẽ hơn trong chi tiêu. Với đà phát triển này, ngoài thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, An Phước tiếp tục mua bản quyền thương hiệu Pierre Cardin để khai thác tại thị trường Myanmar.

Và ngày 3-2-2010 mãi mãi là ngày không quên trong đời ông Trần Chiến, khi ông vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. DN của ông bà đã thành lập chi bộ gồm 9 người, có tổ chức Đoàn, Công đoàn. Với ông bà, niềm hạnh phúc lớn lao là được đóng góp sức nhỏ bé của mình cho đất nước. 

Song song với việc mở rộng quy mô sản xuất và hoạt động kinh doanh, công ty thường xuyên tham gia, thực hiện tốt các hoạt động xã hội từ thiện chăm lo cho cộng đồng và cán bộ công nhân viên bằng nhiều hoạt động thiết thực, với tổng số tiền đóng góp khoảng 11,5 tỷ đồng (giai đoạn 2003-2013):

-  Ủng hộ phong trào góp Quỹ “Vì người nghèo” TPHCM và quận 5 trong nhiều năm.

-  Xây tặng nhà tình thương; tài trợ 600 ca mổ mắt cho bệnh nhân nghèo do Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM phát động từ năm 2009.

-  Tài trợ đoàn thể thao Việt Nam tham dự Sea Games 26.

-  Tham gia chương trình “Đồng hành cùng DN dệt may  vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc” năm 2010; đóng góp Quỹ tấm lòng vàng của Hội doanh nhân trẻ TPHCM; ủng hộ đồng bào bị bão lụt miền Trung, ĐBSCL năm 2003.

- Tài trợ giải Golf từ thiện Swing for life do Hội Golf TPHCM tổ chức nhiều năm liền; tặng sổ tiết kiệm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Sóc Trăng, Long An năm 2006.

- Trao học bổng cho con em cán bộ công nhân viên có thành tích học giỏi hàng năm với khoảng 300 em, từ 10 năm nay…