Khi nào giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường?

(ĐTTCO)-Cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo theo định hướng, thực hiện các mục tiêu theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Khi nào giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường?

Hiện giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương nghiên cứu và từng bước hoàn thiện, đảm bảo ngành điện hoạt động hiệu quả, bảo toàn vốn Nhà nước, đảm bảo công tác đầu tư phát triển điện lực được liên tục và hiệu quả.

Vấn đề này được đưa ra tại Hội thảo "Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp” do Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng 18/7.

Tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát phản ánh, bên cạnh những kết quả tích cực, ngành năng lượng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Trong đó, ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng, phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong đó, chính sách giá điện, thị trường điện là những vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển ngành điện, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Việc tổ chức thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về giá điện, thị trường điện; công tác quản lý Nhà nước đối với giá điện, thị trường điện đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành giá điện, thị trường điện, tái cơ cấu ngành điện, mô hình tổ chức quản lý cả ở góc cạnh quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp,… là những vấn đề đang cần giải quyết”, ông Huy nêu.

Theo PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, trong chuỗi giá trị điện lực, cấu phần sản xuất điện chiếm khoảng 70%-80% giá thành cung ứng điện. Nếu phần nguồn điện theo lộ trình thị trường, tức là giá cả phản ánh quan hệ cung - cầu thì giá bán lẻ điện cho hộ tiêu dùng cuối cùng cũng phải điều tiết theo quan hệ này.

Tuy vậy, quá trình này đã không được đồng bộ từ đầu vào đến đầu ra, tức là đầu vào theo thị trường còn đầu ra là điều tiết đa mục tiêu nên đã dẫn tới việc quá trình tái cấu trúc đầu vào không diễn ra theo lộ trình xây dựng. Đặc biệt, các chính sách điều tiết về giá bán lẻ, các quy định về cơ chế điều chỉnh giá dù được đưa ra, nhưng quá trình thực thi điều chỉnh giá bán lẻ đã không được thực hiện càng làm cho cơ cấu giá bán lẻ không phản ánh cơ chế thị trường của giá điện trên thị trường giao ngay và thị trường bán buôn.

“Nói một cách tổng quan, các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện đã không được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng. Do đó, không thể đặt ra một lộ trình phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh quá tham vọng về mặt thời gian, trong khi các yếu tố nền tảng cho sự tồn tại của thị trường còn đang chưa có, chưa đáp ứng. Nên xây dựng lại lộ trình phát triển thị trường điện bán lẻ khả thi hơn, thực tế hơn về mặt thời gian và đặc biệt cần phải xây dựng song song với lộ trình xử lý các tồn tại hiện nay liên quan đến thị trường bán buôn, liên quan đến điều kiện tiên quyết là chính sách giá bán lẻ điện”, ông này nói.

Phản hồi các ý kiến được đề cập tại hội thảo, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến giá điện cơ bản đã hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất và khả thi, song đến nay còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể theo ông Quang, cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo theo định hướng, thực hiện các mục tiêu theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng và hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý và điều hành giá điện thông qua hoạt động mua bán điện.

Lắng nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, dù đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng chính sách giá điện, thị trường điện còn nhiều bất cập, hạn chế. Có ý kiến cho rằng, cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý; công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện; cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần…

“Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh, trong đó có thị trường điện thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực năng lượng” – ông Nguyễn Đức Hải chỉ rõ.

Việc hình thành thị trường điện triển khai chậm còn nhiều vướng mắc, nên đòi hỏi phải có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc với cách làm mới, giải pháp đột phá để tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Các tin khác