Một doanh nghiệp năm năm 2008 lỗ nặng, 2009 lãi lớn, 2010 có lãi và 2011 lại thua lỗ, vậy kế hoạch kinh doanh năm 2012 sẽ được xây dựng như thế nào? Đây là câu hỏi sẽ xuất hiện rất nhiều tại mùa ĐHCĐ năm nay của doanh nghiệp niêm yết trong thời gian sắp tới.
Có thể nói, từ trước đến nay việc doanh nghiệp đề ra kế hoạch kinh doanh như thế nào, cổ đông nhỏ lẻ chỉ biết… ngồi nghe. Thông tin sâu hơn nếu được chia sẻ chủ yếu dành cho những NĐT tổ chức, nhưng thực tế không phải trường hợp nào cũng lý tưởng như vậy.
Một vị nữ chủ tịch HĐQT nổi tiếng trên sàn chứng khoán cũng từng chia sẻ với ĐTTC, nhiều khi cũng muốn công bố “sâu” hơn nữa tại ĐHCĐ, nhưng chỉ sợ nhiều đối thủ cũng có mặt trong đại hội nắm bắt được chiến lược của mình.
Ở chiều ngược lại, ĐTTC cũng từng được nghe chủ tịch HĐQT một CTCK lớn sau khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh “bỏ nhỏ” rằng, đặt ra kế hoạch vậy thôi chứ khả năng đạt được chắc cũng… khó. Những vấn đề trên nói lên một hiện tượng: Việc công bố, chia sẻ kế hoạch kinh doanh vẫn mang dáng dấp “xin-cho” và đây là điều khó chấp nhận.
Trong tình hình kinh doanh có nhiều thách thức, NĐT cũng không dồi dào đồng vốn như trước thì sự lựa chọn sẽ chỉ dành cho những doanh nghiệp tốt nhất.
Nếu không cảm thấy an toàn cho đồng vốn của mình, NĐT chắc chắn sẽ không giải ngân, mà nếu có cũng chỉ là kiểu đầu tư ăn theo sóng, ngắn hạn và điều này doanh nghiệp rõ ràng không thích.
Trở lại với câu chuyện doanh nghiệp thua lỗ, vấn đề đặt ra ở đây là kế hoạch kinh doanh sẽ được xây dựng theo tiêu chí nào để NĐT phải dựa vào đây xác định tính chất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp nói năm 2011 khó hơn cả 2008, năm 2011 lỗ nên năm 2012 chỉ cần xây dựng có lãi vừa phải, hoặc hòa vốn đã là mừng.
Nhưng cổ đông cũng có thể lập luận rằng, khó khăn của năm 2011 khác năm 2012 và năm nay có nhiều cơ sở để kỳ vọng. Điều này cũng có thể dẫn đến những cuộc tranh cãi liên tu bất tận mà kết quả cuối cùng phần thiệt thuộc về cổ đông.
Mấu chốt ở đây là doanh nghiệp nên có biện pháp công bố kế hoạch kinh doanh hợp lý, sâu hơn nhưng vẫn đảm bảo bí mật kinh doanh cho mình, thay vì chỉ đổ thừa sợ “lộ” nên giấu nhẹm.