Ông Nguyễn Phú Cường - chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), đơn vị đầu tư nhiều nhà máy sản xuất phân bón - khẳng định như vậy khi trao đổi về đề xuất áp thuế, thậm chí cấm xuất khẩu phân bón nhằm hạ nhiệt giá phân bón.
Ông Cường nói: Các doanh nghiệp (DN) đều không muốn tăng giá vì sẽ giảm thị trường, giảm sức mua. Việc tăng giá là bất khả kháng vì nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Do đó, không nên áp dụng cứng nhắc mức thuế 5% mà cần linh hoạt với từng sản phẩm và từng thời điểm. Chẳng hạn, có thể sửa đổi luật theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế.
Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng cho các ngành sản xuất đầu vào của sản xuất nông nghiệp như phân bón, hóa chất... để tạo cơ hội và dư địa giảm giá cho người dân.
* Vì sao giá phân bón lại không thể giảm, kể cả khi cấm xuất khẩu hay áp thuế?
- Với xu hướng tăng mạnh của giá nguyên liệu, chi phí đầu vào của sản xuất phân bón đang bị tác động mạnh nên giá phân bón trong nước sẽ khó giảm trong thời gian tới. Chẳng hạn, để sản xuất ra phân DAP phải có lưu huỳnh, nhưng giá lưu huỳnh nhập khẩu đã tăng từ 30 USD/tấn lên 520 USD/tấn, riêng từ đầu năm đến nay tăng hơn 85,6%.
VN cũng không sản xuất được kali (để sản xuất NPK) nên phải nhập khẩu hoàn toàn, trong khi nguyên liệu này đã tăng 82%, từ 11 triệu đồng/tấn lên 20 triệu đồng/tấn. Tương tự, giá amoniac nhập khẩu cũng đã tăng từ 10 triệu đồng/tấn lên 18 - 19 triệu đồng/tấn.
Nguyên liệu than, khí cho sản xuất urê cũng tăng khoảng 63%, riêng giá than từ đầu năm nay tăng 30%. Chưa hết, giá xăng dầu, chi phí nhân công, vận chuyển, logistics... đều tăng cũng làm giá thành bị đội lên.
Do đó, muốn hỗ trợ nông dân, kiểm soát giá thì phải xem cái gốc vì sao tăng giá. Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến về việc áp thuế xuất khẩu 5% với một số mặt hàng phân bón.
Nhưng theo tôi, việc áp thuế này cơ bản cũng sẽ không thể đạt được mục tiêu là hạn chế xuất khẩu phân bón. Bởi urê và phân lân cũng đang được áp dụng mức thuế 5%, trong khi mặt hàng NPK (có thuế 0%) lại đang dư thừa nên việc áp thuế cũng không tạo thêm nguồn cung mà còn tác động đến ngành phân bón.
* Việc cấm hay hạn chế xuất khẩu có thể tạo ra nguồn cung dồi dào, từ đó giúp giá phân bón "hạ nhiệt"?
- Tôi phải khẳng định nguồn cung trong nước không thiếu. Với năng lực sản xuất phân bón NPK, thị trường chỉ dung nạp hết 36%, còn 65% là dư thừa. Phân urê sản xuất là 2,7 triệu tấn nhưng tiêu thụ trong nước chỉ chưa đầy 2 triệu tấn, dư khoảng 700.000 tấn.
Riêng phân DAP trong nước thiếu, phải nhập khẩu thêm. Nếu hạn chế xuất khẩu, thậm chí cấm xuất khẩu, DN sản xuất để làm gì hay sẽ gây lãng phí nguồn lực.
Trong khi đó, mức giá phân bón trên thị trường thế giới hiện nay là cơ hội cho DN Việt chiếm lĩnh thị trường khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar... nhờ lợi thế xuất khẩu bằng đường sông, đường biển.
Nếu DN Việt không làm, DN các nước khác như Thái Lan, Malaysia sẽ chiếm thị phần. Một lần nữa, tôi khẳng định nguồn cung trong nước không thiếu, giá lên vì đầu vào lên, không phải vì mấy ông sản xuất tăng giá lên để kiếm lời.
* Ông giải thích như thế nào về tình trạng có nơi phân bón khan hàng, sốt giá làm ảnh hưởng đến người nông dân?
- Hệ thống phân phối của ngành phân bón khác hoàn toàn với hệ thống phân phối của các lĩnh vực khác như xăng dầu, bia, sữa. Chúng tôi không thể xuống tới tận cửa hàng nhỏ mà chỉ cấp cho các đại lý cấp 1, cấp 2 nhưng chúng tôi vẫn kiểm soát. Việc găm hàng, tăng giá chỉ là nhỏ lẻ ở một vài thời điểm thiếu cung.
Ví dụ, phân urê trước đây thiếu, còn hiện nay mỗi năm sản xuất khoảng 2,7 triệu tấn, nhu cầu trong nước khoảng 2 triệu tấn, dư thừa khoảng 700.000 tấn nên không có chuyện găm hàng để tăng giá.
Chúng tôi ủng hộ và đồng hành cùng người nông dân, nhưng kiểm soát cung cầu, giá cả phải trên cơ sở từ gốc, xem tăng giá ở đâu, cung thiếu ở đâu để có biện pháp quản lý phù hợp. Không ai muốn phân bón tăng giá cả nhưng giá đầu vào tăng quá cao, chúng tôi cũng đã cố gắng giữ giá ở mức thấp so với thị trường rồi.
* Nhiều DN phân bón có lợi nhuận tăng bằng lần, thưa ông?
- Cứ nói lợi nhuận phân bón tăng bằng lần, nhưng thực tế mức lợi nhuận ấy không tương xứng với đồng vốn bỏ ra. Chẳng hạn, trong năm 2021 Công ty Phân bón Cần Thơ lãi 500 triệu đồng còn năm nay lãi 1 tỉ đồng, trong khi vốn lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Tương tự, vào thời hoàng kim, Công ty Supe phốt phát Lâm Thao lãi hàng trăm tỉ đồng nhưng sau đó thua lỗ và đến nay lãi được vỏn vẹn mấy chục tỉ. Một doanh nghiệp quản lý 80ha đất, có lịch sử thị trường 60 năm nhưng chỉ lãi được mấy chục tỉ, cho thấy hiệu quả còn thấp. Nếu đúng tiềm lực, nguồn lực, mỗi năm DN này phải lãi từ 300 tỉ đồng trở lên.
Thực tế, nếu tính tổng chi phí đầu vào từ đầu năm nay, với chi phí giá thành của urê tăng thêm là khoảng 27% và DAP tăng gần 40% nên dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm. Một nhà máy thôi, sản lượng 330.000 tấn/năm mà lãi vài trăm tỉ đồng là không ăn thua gì.
Do đó, nếu cấm xuất khẩu hay áp thuế với phân bón xuất khẩu không hợp lý, ngành phân bón với hơn 1.000 DN sẽ bị thiệt hại. Cũng cần nhắc lại rằng trong giai đoạn 2016-2018, do khủng hoảng thừa trên thế giới nên cả ngành phân bón phải bán dưới giá thành dẫn tới thua lỗ. Bây giờ thị trường tăng, DN hòa vốn, có lãi một tí để lấy tiền trả nợ lại bị đòi cấm xuất khẩu là không hợp lý.
Như với Đạm Hà Bắc, chi phí tài chính hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm, trong đó có trả lãi ngân hàng và khấu hao. Nhà nước cũng giao nhiệm vụ là bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Nếu không tăng giá trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, sau này kiểm toán vào kiểm tra, đặt vấn đề tại sao lại bán giá thấp, làm thất thoát vốn, ai sẽ chịu trách nhiệm cho chúng tôi?
Giá phân bón tăng quá cao hiện đang là gánh nặng đối với người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Nguyễn Như Cường (cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT): Cần có chính sách ổn định giá phân bón trong nước Phân bón là nguyên liệu đầu vào quan trọng bậc nhất trong sản xuất, trồng trọt. Việc giá phân bón tăng tác động giá thành sản phẩm. Ví dụ, với giá phân bón năm 2021 và 2022, chỉ riêng chi phí phân bón chiếm tới 20 - 25% giá thành sản xuất lúa tại ĐBSCL khiến sức cạnh tranh của sản phẩm bị ảnh hưởng rất lớn. Trong thực tế, nhiều nông dân chưa tuân thủ các quy trình sản xuất, lạm dụng phân bón vô cơ còn khá phổ biến, hiệu quả sử dụng phân bón còn thấp. Do vậy, Cục Trồng trọt đang phối hợp cùng các DN và địa phương ban hành các quy trình canh tác để giảm lượng phân bón đầu vào, chẳng hạn giảm 15% lượng phân bón đã đem lại hiệu quả rất cao. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thay đổi nhận thức sử dụng, tuân thủ các quy trình tiến bộ trong sản xuất để lượng phân giảm đi nhưng vẫn đạt hiệu quả. Ngoài ra, việc can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước bằng cơ chế chính sách về thuế, hạn chế xuất khẩu phân bón... nhằm ổn định, hạ giá phân bón trong nước là điều cần thiết. Sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020 lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10,23 triệu tấn. Năm 2021, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10,71 triệu tấn. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021. Khoảng 840 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất 32,27 triệu tấn/năm. Các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân urê, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, các nhà máy sản xuất DAP đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, trong khi đó phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Phân bón hữu cơ sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mà không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. 95% sản lượng phục vụ thị trường nội địa Theo ông Nguyễn Phú Cường - chủ tịch VINACHEM, sản lượng sản xuất của các nhà máy VINACHEM là 3,5 triệu tấn, trong đó có tới 90% phục vụ thị trường nội địa. Tập đoàn này cũng duy trì mức giá urê và DAP rẻ hơn từ 20 - 25% so với nhập khẩu, cao nhất chỉ có 16,5 triệu đồng/tấn, thấp hơn nhiều so với mức giá hơn 20 triệu đồng/tấn phân bón nhập khẩu, thậm chí thấp hơn cả mức giá của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau (18 triệu đồng/tấn). Trong khi đó, giá xuất khẩu phân bón là 910 USD/tấn (21 triệu đồng/tấn), cao hơn nhiều so với giá bán tại thị trường nội địa. Để có giá thấp cho thị trường nội địa, theo ông Cường, tập đoàn này đã chủ động mua nguyên liệu vào cuối năm ngoái. Nhờ vậy, một số nguyên liệu như than, lưu huỳnh... được mua với mức giá thấp hơn, đơn cử than mua với giá 370 USD/tấn. Cùng với đó là việc tiết giảm định mức tiêu hao nhiên liệu, cơ cấu lại phòng ban, nhân công, nâng cao hiệu quả vận hành thiết bị, giao chỉ tiêu tiết kiệm... |