Từ sàn chính thống
Giữa tháng 6-2019, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News tổ chức họp báo công bố bằng chứng tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu trên Shopee, Lazada và Sendo. Trí Việt cho biết đã phát hiện các sàn thương mại điện tử (TMĐT) này bán sách giả từ khá lâu, đã gửi cảnh báo nhiều lần đến các sàn, nhưng nhận được phản hồi chỉ cho thuê cửa hàng và không chịu trách nhiệm ai bán sách giả.
Để có bằng chứng, Trí Việt đã đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên từ các sàn TMĐT bán sách online, mời các công ty Thừa phát lại đến tiến hành mở bao hàng và lập vi bằng. Kết quả tất cả 128 đơn hàng ngẫu nhiên đó đều là sách in lậu, sách giả. Trong đó, 3 đơn vị Shopee, Sendo và Lazada có số lần vi phạm phân phối sách giả tiếp tay in lậu nhiều nhất.
Không chỉ sách, nhiều sàn TMĐT còn bán hàng giả, hàng nhái các sản phẩm thời trang như túi xách, quần áo, giày dép hay mỹ phẩm, thậm chí cả hàng công nghệ. Tìm kiếm thử cụm từ túi xách LV trên goole lập tức hiện ra rất nhiều kết quả, trong đó có kết quả từ các trang TMĐT như Lazada hay Shopee. Giá bán sản phẩm “hàng hiệu” này chỉ vài trăm ngàn đồng nên ai cũng có thể sở hữu. Hay nhiều sản phẩm nước hoa của các thương hiệu có tiếng được bán trên nhiều sàn TMĐT cũng có giá vài trăm ngàn, thậm chí hơn trăm ngàn đồng. Thực ra người bán hay cả người mua đều biết với mức giá ấy chắc chắn là hàng giả.
Mới đây, các thương hiệu lớn như Nike, Calvin Klein đã lên tiếng về vấn nạn hàng giả hàng, nhái tràn lan trên mạng, trong đó không ngoại trừ các sàn TMĐT. Chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 6 đến 10-2019) đã có 216 gian hàng trên các sàn TMĐT vi phạm bán hàng giả của Nike bị xử lý. Nhưng con số này có lẽ vẫn còn khiêm tốn so với thực trạng hàng giả Nike đang phải đối mặt. Cũng nằm trong tình trạng hàng giả, Calvin Klein cho biết mới đây đã phát hiện một gian hàng trên Shopee bán hàng giả nhưng khi tìm tới đây là địa chỉ “ma”.
Thực tế không chỉ hàng hiệu giá bèo mà người bán, người mua đều biết là hàng giả, có những mặt hàng công nghệ người mua phải trả vài triệu đồng để được mua hàng chính hãng, nhưng kết quả nhận về chỉ là hàng nhái. Một khách hàng tại quận 3, TPHCM (đã gửi khiếu nại đến một số cơ quan truyền thông) đã bỏ ra 3,3 triệu đồng để mua điện thoại Oppo trên Lazada nhưng khi nhận được lại là hàng nhái. Phía Lazada cho rằng đây là vụ lừa đảo nên đã chuyển qua cơ quan công an, song khách hàng đặt câu hỏi liệu sàn này có tiếp tay bán hàng nhái?
Đến chợ online trên MXH
Đến chợ online trên MXH
Cùng với sự phát triển của internet, các mạng xã hội (MXH) đã giúp người người, nhà nhà đều có thể kinh doanh online. Rất nhiều người vừa làm văn phòng, vừa mở shop online trên trang mạng của mình từ facebook đến instagram. Những sản phẩm được bán online trên MXH đủ loại và không ai quản lý người bán. Và khi việc bán hàng trở nên quá đơn giản như vậy, chẳng ai biết được nguồn gốc hàng hóa của những “cửa hàng online” trên MXH này.
Một trong những hình thức đang nở rộ trên MXH là bán hàng chính hãng xách tay. Chủ các cửa hàng này cho biết họ phải canh sales hàng chính hãng và gửi người xách về Việt Nam. Giá bán hàng gọi là “hàng xách tay” này cũng vô chừng, nhưng rẻ nhất cũng từ vài triệu đồng trở lên.
Hiện thực phẩm chức năng đang là mặt hàng bán tràn lan trên MXH, được quảng cáo là hàng xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia… về với giá bán rẻ hơn so với mua tại nước sở tại. Anh N.H, một tiếp viên hàng không, cho biết do thường bay qua Hàn Quốc anh biết khá nhiều nơi bán tinh dầu thông đỏ, nên đã bất ngờ khi sản phẩm này rao bán trên facebook 1,8 triệu đồng, rẻ hơn 500.000 đồng so với mua tại Hàn Quốc.
Dịp cuối năm, người tiêu dùng còn đối mặt với nạn bán hàng giả bánh kẹo, rượu ngoại nhập khẩu. Ai cũng khẳng định hàng mình bán chính hãng, giá tốt nhất thị trường và có chiết khấu tốt cho khách mua nhiều. Nhưng thực hư thế nào chỉ người bán mới biết.
Nếu người mua hàng trên các sàn TMĐT khi gặp phải hàng giả, nhái có thể khiếu nại (dù thường không có kết quả như mong đợi), thì khi mua tại các cửa hàng online trên MXH nếu phát hiện hàng giả, nhái, họ thường im lặng cho qua và coi đó như một “kinh nghiệm xương máu”, vì khiếu nại cũng chẳng có ai nghe. Người mua đôi khi chỉ biết xả cơn tức giận bằng cách bóc phốt trên một số nhóm, diễn đàn… để cảnh báo người khác không bị như mình.
Thách thức trong quản lý
Thách thức trong quản lý
Để tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT, người bán phải ký cam kết không bán hàng giả, hàng nhái. Cơ quan chức năng cũng thường tổ chức những đợt rà soát các sàn TMĐT, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm và khóa tài khoản những chủ cửa hàng online vi phạm. Nhưng việc này như “bắt cóc bỏ dĩa”. Bởi khóa tài khoản này họ dễ dàng lập tài khoản khác để tiếp tục hoạt động. Tại lễ khai trương hệ thống quản lý và giải quyết khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT hồi giữa tháng 12 vừa qua, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng các quy định hiện hành chưa gắn chặt trách nhiệm của chủ sàn TMĐT đối với đối tác bán hàng trên sàn. Vì vậy cần sửa đổi khung pháp lý về quản lý sàn TMĐT theo hướng tăng trách nhiệm các chủ sàn.
Theo ông Linh, Bộ Công Thương vừa thành lập tổ soạn thảo để sửa đổi Thông tư 47 quy định về quản lý website TMĐT theo hướng quy định rõ trách nhiệm các chủ sàn điện tử. Đồng thời, bộ này sẽ sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP trong năm 2020, vì đã ban hành 6 năm, chưa cập nhật loại hình kinh doanh mới, nên thiếu chế tài xử lý. Trước đó, vào tháng 4 Bộ Công Thương đã tổ chức lễ ký cam kết “nói không với hàng giả trong TMĐT”, với sự tham gia của 4 ông lớn là Lazada, Tiki, Sendo, Shopee. Nhưng dường như ký cho có, còn việc các sàn triển khai như thế nào chưa được cơ quan quản lý quan tâm giám sát, kiểm tra.
TMĐT phát triển mang đến những lợi ích và kết quả đáng ghi nhận. Nhưng mặt trái quá lớn của nó nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, người tiêu dùng. |
TMĐT Việt Nam có xuất phát điểm thấp chỉ khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng với tốc độ phát triển những năm gần đây, thị trường này được kỳ vọng đạt quy mô 13 tỷ USD năm 2020. |