Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152.500 tỷ đồng

(ĐTTCO) - Ngày 15-11, Bộ Tài chính cho biết, 10 tháng đầu năm, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đạt 328.900 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý (quý 1 đạt 134.800 tỷ đồng, quý 2 đạt 122.400 tỷ đồng, quý 3 đạt 65.900 tỷ đồng, tháng 10 đạt 5.800 tỷ đồng).
Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152.500 tỷ đồng

Trong đó, 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành; doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%... Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152.500 tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường TPDN hiện đang gặp khó khăn. Khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.

Ngoài nguyên nhân từ những vụ việc nêu trên, tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư đối với thị trường ngân hàng và TPDN bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại TPDN để chuyển sang gửi tiết kiệm.

Theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, từ năm 2021, có 2 phương thức phát hành TPDN được phân biệt cụ thể: trái phiếu phát hành ra công chúng được chào bán cho mọi nhà đầu tư và chỉ được chào bán sau khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp phép; trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là người có kiến thức, kinh nghiệm và tài sản để đầu tư vào sản phảm có rủi ro cao hơn trái phiếu phát hành ra công chúng.

TPDN không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua TPDN. Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có trách nhiệm đảm bảo thực hiện cam kết với người mua. Nếu doanh nghiệp phát hành không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Các tin khác