Khối u chiếm dụng vốn đã vỡ?

Việc Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) Châu Thị Thu Nga bị Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an bắt tạm giam vừa qua có thể coi là cú sốc trên thị trường BĐS. Bởi bà Nga không chỉ là Phó Trưởng ban điều hành mạng Các sàn giao dịch BĐS Việt Nam khu vực miền Bắc (Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS), mà còn là đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy sự thanh lọc trên thị trường BĐS đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ và không chừa doanh nghiệp nào.

Việc Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) Châu Thị Thu Nga bị Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an bắt tạm giam vừa qua có thể coi là cú sốc trên thị trường BĐS. Bởi bà Nga không chỉ là Phó Trưởng ban điều hành mạng Các sàn giao dịch BĐS Việt Nam khu vực miền Bắc (Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS), mà còn là đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy sự thanh lọc trên thị trường BĐS đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ và không chừa doanh nghiệp nào.

Trái đắng

Sai phạm của bà Nga gắn liền với dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội. Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2008 đến nay, dù chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng, nhưng bà Châu Thị Thu Nga và đồng phạm tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để bán.

Cụ thể, Housing Group đã ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377 tỷ đồng của nhà đầu tư, đến nay không còn khả năng chi trả. Hành vi của bà Châu Thị Thu Nga đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ Luật hình sự. Cùng với dự án B5 Cầu Diễn, Housing Group còn nhiều dự án vẫn đang “bất động” khác là Thượng Đình Plaza, khu nhà ở tái định cư và kinh doanh tại quận Tây Hồ…

Mặc dù được xem gây sốc trên thị trường BĐS, nhưng có thể thấy yếu tố “sốc” chủ yếu đến từ những chức vụ ấn tượng của bà Thu Nga, còn hình thức phạm tội lừa đảo, chiếm dụng vốn hoàn toàn không xa lạ trên thị trường BĐS.

Trước đó, lãnh đạo của đơn vị liên danh với Housing Group thực hiện dự án này là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội cũng đã bị bắt. Ngoài ra, có thể kể đến Vina Megastar với hàng loạt dự án BĐS như Hesco Văn Quán, Megastar Xuân Đỉnh, Vinhhung Dominium... Hay CTCP Đầu tư Minh Việt với dự án Tricon Towers…

Công thức chung của những dự án này là chủ đầu tư lập dự án, ký hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai, thu hàng trăm tỷ đồng của người mua, sau đó dự án không thể triển khai khiến khách hàng bức xúc khiếu nại, thậm chí biểu tình đòi quyền lợi, đòi lại tiền… và cuối cùng chủ đầu tư hoàn toàn mất khả năng chi trả.

Sẽ tiếp tục tái diễn?

Trên thực tế, dù chưa vướng vào vòng lao lý, trên thị trường BĐS hiện nay không thiếu doanh nghiệp đang chết chìm với các dự án được triển khai theo kiểu “tay không bắt giặc”, không đủ tiềm lực về vốn, chủ yếu dựa vào vốn vay và phương thức bán nhà hình thành trong tương lai để huy động vốn từ khách hàng.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 4.015 dự án phát triển đô thị, nhà ở đã được quy hoạch và cấp phép đầu tư với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỷ đồng, tổng diện tích đất theo quy hoạch 102.228ha.

Nhưng kết quả rà soát cho thấy chỉ 3.258 dự án (khoảng 81%) đang tiếp tục triển khai với tổng diện tích đất khoảng 81.565ha, tổng diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 29.545 ha. Như vậy vẫn còn khoảng 1.000 dự án BĐS đang ở trong tình trạng đắp chiếu. Tương ứng với đó là hàng trăm chủ đầu tư đang ở vào tình cảnh kiệt quệ, không còn đủ tiềm lực tài chính để triển khai dự án.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, thời kỳ BĐS sốt nóng, nhiều doanh nghiệp không hề có vốn nhưng vẫn thực hiện dự án hoặc có vốn nhưng lại tham gia thực hiện nhiều dự án khác nhau, tiền huy động ở dự án này đưa đi đầu tư dự án khác. Khi thị trường xuống dốc, doanh nghiệp không còn khả năng tiếp tục triển khai dự án vì kiệt vốn mặc dù đã thu tiền của khách hàng.

Cổng chào dự án khu chung cư B5 Cầu Diễn.

Cổng chào dự án khu chung cư B5 Cầu Diễn.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, có những thời điểm 70% vốn triển khai các dự án BĐS là đi vay. Doanh nghiệp chỉ có một chút tiền ban đầu sau đó vẽ ra dự án, thu tiền của người mua để thực hiện các dự án.

“Trong thời điểm hiện nay, những doanh nghiệp làm ăn kiểu này sẽ không thể bám trụ nổi, đặc biệt sau khi Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở với nhiều quy định chặt chẽ cho doanh nghiệp có hiệu lực. Chính vì thế, hiệu ứng đổ vỡ trên thị trường có thể còn tiếp tục và nên để rơi tự do. Vấn đề là phải làm sao bảo đảm quyền lợi của người mua” - ông Liêm cho biết.

Theo đại diện Housing Group, doanh nghiệp này sẽ chịu trách nhiệm và sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, với thực tế bi đát của rất nhiều dự án có chủ đầu tư bị bắt như 409 Lĩnh Nam, 83 Ngọc Hồi, Tricon Towers… nhiều khách hàng cho rằng sẽ rất khó để có thể đòi được lại tiền hoặc sớm nhận được nhà.

Đóng hàng tỷ đồng để mua nhà, rồi dài cổ chờ đợi hết năm này qua năm khác nhưng vẫn không được nhận nhà, trong khi dự án bất động, cỏ hoang mọc lút đầu. Câu chuyện này cứ lặp đi lặp lại và liệu bao giờ mới chấm dứt vẫn đang là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.

Các tin khác