Không có lý do để NĐT bán vội vàng

(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán vẫn kiểm tra số liệu dư nợ margin và các con số cho thấy chưa có dấu hiệu bất thường về hoạt động giải chấp chứng khoán. Trong hai tuần qua, tính đến ngày 15/1/2015, lượng bán giải chấp chỉ chiếm khoảng 5% tổng dư nợ margin.

(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán vẫn kiểm tra số liệu dư nợ margin và các con số cho thấy chưa có dấu hiệu bất thường về hoạt động giải chấp chứng khoán. Trong hai tuần qua, tính đến ngày 15/1/2015, lượng bán giải chấp chỉ chiếm khoảng 5% tổng dư nợ margin.

 

Phiên giao dịch hôm 18-1 Vn-Index đóng cửa giảm 16,67 điểm (-3,07%), thậm chí trong phiên Vn-Index đã có lúc giảm 24,8 điểm (-4,56%) xuống mức thấp nhất 518,2 điểm. Chúng tôi đã liên hệ với Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long về các diễn biến trên thị trường.

Phóng viên: - Phiên giao dịch hôm 18-1 thị trường đã có lúc mất gần 25 điểm, ông cho rằng những lý do gì đã khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong phiên hôm nay?

- Trong 2 tuần qua thị trường chứng khoán thế giới đã sụt giảm rất mạnh, chứng khoán Trung Quốc có lúc giảm 7% đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước nhưng mức độ giảm điểm của TTCK Việt Nam trong 2 tuần qua không nhiều. Tuy nhiên mức sụt giảm của TTCK VN trong phiên giao dịch hôm nay tương đối lớn, UBCK  đang theo dõi rất sát vấn đề này.

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm hôm nay tuy nhiên tôi cho rằng chủ yếu từ tâm lý, xuất phát từ các báo cáo phân tích quốc tế thể hiện thị trường chứng khoán của một số nền kinh tế lớn đi xuống thể hiện tâm lý bi quan. Thứ hai liên quan đến giá dầu, sau khi Iran được dỡ bỏ cấm vận, chi phí sản xuất dầu của Iran rất thấp sẽ ảnh hưởng đến giá năng lượng và cổ phiếu của các công ty năng lượng.

- Nhà đầu tư lo ngại vấn đề margin call và tình trạng bán khống trên thị trường, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ủy ban Chứng khoán vẫn kiểm tra số liệu dư nợ margin và các con số cho thấy chưa có dấu hiệu bất thường về hoạt động giải chấp chứng khoán. Trong hai tuần qua, tính đến ngày 15/1/2015, lượng bán giải chấp chỉ chiếm khoảng 5% tổng dư nợ margin. Quy mô margin trên thị trường như vậy vẫn ở mức tương đối ổn định và tác động của giải chấp là không lớn.

Ủy ban Chứng khoán đã yêu cầu tất cả các CTCK phải báo cáo hàng ngày về hoạt động giải chấp, giao dịch ký quỹ, giao dịch tại các mã lớn và các giao dịch trên tài khoản lớn, để kiểm soát; kiểm soát chặt không cho phép việc vay mượn chứng khoán để bán. Ủy ban cũng đã yêu cầu các Sở và Trung tâm giao dịch báo cáo các yếu tố bất thường, có dấu hiệu bất kỳ nào về lạm dụng thị trường sẽ kiên quyết quản lý nghiêm.

Hệ số PE của TTCK Việt Nam hiện khá thấp khoảng 10 cho thấy sự hấp dẫn và mức khá an toàn. Nghĩa là thị trường trong vài năm vừa qua không bị bong bóng, ở mức độ giá trị hợp lý để nhà đầu tư gia tăng mua vào.

Các CTCK trong hoạt động phân tích báo cáo tư vấn phải khách quan và có tính xây dựng tránh nhận định mang tính xu hướng, đôi khi mang tính kỹ thuật mà không nhìn dài hạn. Chính những cái đấy ảnh hưởng đến nhà đầu tư, tâm lý không ổn định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của CTCK. Tất cả vấn đề này sẽ rất cẩn trọng, phải bám sát thực trạng của nền kinh tế.

-Việt Nam có áp dụng các biện pháp hành chính với thị trường như việc sử dụng “ngắt van” của TTCK Trung Quốc không thưa ông?

-UBCK sẽ không áp dụng các biện pháp hành chính như vậy. Tôi cho rằng chính sách vừa qua của TTCK Trung Quốc cũng là bài học rất tốt để chúng ta đúc rút kinh nghiệm. Cần lưu ý, TTCK Trung Quốc cũng dựa trên nền tảng chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, đầu tư theo tâm lý đám đông, dựa theo phong trào, nên độ biến động rất lớn. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật như vậy cần phải bám sát thông lệ quốc tế cũng như đặc tính của thị trường, nếu không sẽ tạo ra hiệu ứng ngược.

-Vậy lời khuyên cho các nhà đầu tư lúc này là gì thưa ông?

-Ủy ban đang cung cấp thông tin và giám sát chặt chẽ thị trường để NĐT ổn định tâm lý. Tôi cho rằng nhà đầu tư nên cẩn trọng và bình tĩnh hơn khi đưa ra quyết định đầu tư vì mặc dù chỉ số giảm nhưng thanh khoản thị trường tăng rất mạnh. Cho tới cuối ngày, giá trị giao dịch tăng hơn 30% so với phiên thứ 6 tuần trước. Điều này thể hiện đang có lực cầu rất lớn sẵn sàng đợi để bắt đáy thị trường. Thiệt hại của NĐT này là cơ hội của NĐT khác do đó chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư cần bình tĩnh tránh quyết định đầu tư phong trào.

-Yếu tố nào để nhà đầu tư tin vào thị trường thưa ông?

-Tôi cho rằng các quyết định đầu tư nên cân nhắc yếu tố vĩ mô, nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 đã khởi sắc thể hiện ở số liệu GDP tăng đều trong 4 quý vừa qua, trong quý 4/2015 đạt 7,01%, GPD cả năm tăng 6,68% cao nhất trong 8 năm qua.

Đóng góp cho tăng trưởng GDP là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, dịch vụ tăng 6,7% cho thấy có sự dịch chuyển tái cơ cấu nền kinh tế chuyển sang công nghiệp và dịch vụ.

Sức sống của nền kinh tế còn thể hiện ở 95.000 doanh nghiệp mới thành lập, số lượng tăng 26,6% nhưng quy mô vốn điều lệ tăng 39,7% so với 2014. Ngoài ra số lượng DN tạm ngừng hoạt động trong các năm trước  hoạt động trở lại tăng 39,1% so với năm 2014. Tất cả các con số này thể hiện hoạt động của nền kinh tế đang phục hồi rõ nét và lành mạnh.

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục có kết quả khả quan, doanh thu, lợi nhuận đều ước tăng trưởng khoảng trên 10% so với năm 2014. Hệ số PE của TTCK Việt Nam hiện khá thấp khoảng 10 cho thấy sự hấp dẫn và mức khá an toàn. Nghĩa là thị trường trong vài năm vừa qua không bị bong bóng, ở mức độ giá trị hợp lý để nhà đầu tư gia tăng mua vào.

Về triển vọng, việc Việt Nam đàm phán thành công Hiệp định TPP và tham gia các hiệp định thương mại sẽ tạo ra môi trường thông thoáng hơn, tự do hơn, các hoạt động kinh tế được thị trường và tự do hơn, các rào cản hạn chế hoạt động doanh nghiệp được gỡ bỏ. Đó là chưa kể, chúng ta có cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế rộng mở hơn, có cơ hội tham gia các chuỗi giá trị gia tang toàn cầu.

Những điều này không có lý do gì để NĐT ra quyết định bán vội vàng cả.

Một số yếu tố bất lợi, được coi là thách thức lại có thể biến thành tác động tích cực và cơ hội cho cải cách, đổi mới và phát triển kinh tế. Ví dụ, giá dầu giảm là thách thức với ngân sách nhưng Bộ Tài chính vẫn xử lý được và vượt thu. Trong khi ngân sách được bảo đảm thì giá dầu giảm lại là cơ hội cho doanh nghiệp và nền kinh tế để nâng cao cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh. Điều này do chi phí đầu vào giảm, chi phí vận tải giảm sẽ khiến doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Do đó tôi cho rằng giá dầu giảm ở một góc độ nào đó đang trở thành cơ hội chứ không hoàn toàn là thách thức mà đáng phải bi quan.

Đối với việc đồng nhân dân tệ yếu, chúng ta đã quyết liệt với tỷ giá, từ chỗ neo vào 1 đồng ngoại tệ nay neo vào 1 rổ ngoại tệ, việc triển khai tỷ giá trung tâm làm biến động tỷ giá lành mạnh và thị trường hơn, nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn về tỷ giá.

-Xin cảm ơn ông.

Các tin khác