Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mới, cũng như đề xuất của một số địa phương, thời gian tới việc cổ phần hóa (CPH) DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, với nhiều đặc thù, việc CPH các DN này không dễ dàng.
![]() |
Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính cho biết hiện cả nước có 291 DN công ích hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, phục vụ an ninh quốc phòng. Các DN này hoạt động trong các lĩnh vực cấp, thoát nước; cung ứng dịch vụ vệ sinh, môi trường; xử lý nước thải, rác thải; chiếu sáng đô thị...
Các DN công ích tạo việc làm cho 113.500 người, thu nhập bình quân hơn 6,7 triệu đồng/người/tháng. Tổng tài sản năm 2012 của 291 DN công ích hơn 88.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước hơn 55.800 tỷ đồng; doanh thu hơn 31.400 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả bình quân 0,48 lần (tuy nhiên, có 29 DN có hệ số trên 3 lần); lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng; nộp ngân sách 1.730 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị tái cơ cấu DNNN vừa qua, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết TP quyết tâm đẩy sớm lộ trình CPH nhiều DN trong lĩnh vực công ích thực hiện sau năm 2015 vào giai đoạn 2014-2015. Ông Hà cũng cho rằng không nên xếp các đơn vị loại này vào danh mục Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần vì tư nhân làm tốt, còn DNNN lại sai phạm nhiều.
![]() ![]() | |
Ông Lê Mạnh Hà, |
“TPHCM cũng chủ động đề nghị cho phép bổ sung một số DN công ích không thuộc diện CPH trong giai đoạn 2014-2015 thực hiện sớm việc CPH, nhất là các đơn vị trong lĩnh vực vệ sinh môi trường ở các quận, huyện, vì thực tế các DN ngoài nhà nước có khả năng thực hiện việc này tốt hơn” - ông Hà đề xuất.
Tại dự thảo quyết định thay thế Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, nhiều DN công ích sẽ được CPH và Nhà nước có thể sẽ chỉ còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, việc CPH DN cung ứng sản phẩm công ích cũng còn có những khó khăn cần tháo gỡ.
Về cơ bản, các văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện CPH đã được ban hành kịp thời để thúc đẩy tiến độ thực hiện. Song, với các DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công cần có các cơ chế đặc thù về CPH. Đó là chính sách về xác định giá trị DN.
Chẳng hạn, đối với DN hoạt động quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa được cơ quan quản lý chuyên ngành đánh giá có khả năng CPH nhưng còn gặp vướng mắc ở khâu xác định giá trị tài sản DN đang quản lý như hệ thống biển báo, bờ sông... do khả năng sinh lời thấp. Hay như DN lọc, khai thác và cung cấp nước sạch, thoát nước đô thị cũng gặp khó khăn khi xác định giá trị DN do tài sản lớn hoặc đã lạc hậu khi CPH.
Về mặt cơ chế, chính sách, trong điều kiện giá sản phẩm đầu ra của DN chịu kiểm soát của Nhà nước (như giá nước sinh hoạt do địa phương quyết định), dẫn đến thu không đủ bù chi hoặc không mang lại hiệu quả tương xứng nên việc CPH DN gặp nhiều khó khăn do không thu hút được nhà đầu tư bên ngoài.
Ngoài ra, nhiều địa phương khó khăn về ngân sách nên vẫn còn tình trạng trả nợ, trả chậm trong việc thanh toán dịch vụ, sản phẩm công ích. Trong báo cáo đề cập đến việc sắp xếp, CPH DNNN, Bộ Tài chính thừa nhận một trong những hạn chế của việc chậm tiến độ CPH DNNN là chính sách về quản lý giữa nhiệm vụ kinh doanh và công ích chưa rõ ràng, minh bạch; thiếu cơ chế đảm bảo DNNN được giao hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia nhưng cần thiết cho nền kinh tế. Các sản phẩm, dịch vụ Nhà nước đang định giá không theo cơ chế thị trường cũng gây khó trong việc CPH các DN này.
Nhằm đảm bảo tính khả thi trong chủ trương CPH DN công ích, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, thúc đẩy sự thay đổi trong chính nội tại của DN (đổi mới phương thức quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, cắt giảm lao động dôi dư...).
Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới cần hướng tới đấu thầu cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích phù hợp với Nghị định 130 của Chính phủ về vấn đề này; thực hiện công khai, minh bạch hóa tình hình cung cấp dịch vụ công ích để khuyến khích sự tham gia, giám sát của nhiều chủ thể đối với loại hình DN này.
Thực hiện đồng thời các giải pháp về quản trị sẽ giúp DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng đối với DN cùng ngành nghề, lĩnh vực.