Không gian công cộng: Hỗn độn, mất kiểm soát

Không phải đến bây giờ bài toán về không gian công cộng (KGCC) ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM mới được đặt ra. Vì nhiều lý do khác nhau, khoảng không gian chung này đang bị biến thành một mớ hỗn độn, là nơi xung đột lợi ích và càng ngày càng khó quản.

Không phải đến bây giờ bài toán về không gian công cộng (KGCC) ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM mới được đặt ra. Vì nhiều lý do khác nhau, khoảng không gian chung này đang bị biến thành một mớ hỗn độn, là nơi xung đột lợi ích và càng ngày càng khó quản.

Công cộng hay... tư nhân?

Trên lý thuyết, KGCC là nơi thể hiện rõ nhất hình ảnh đặc trưng của đô thị, mang nhiều giá trị to lớn về vật chất, tinh thần đối với người dân. Tuy nhiên hiện nay KGCC dường như đang bị “tư nhân hóa” triệt để, bị “băm nhỏ”, lấn chiếm, thậm chí lãng quên vì những lợi ích kinh tế.

Hà Nội hay TPHCM đang dần trở thành những đô thị không vỉa hè, hiếm công viên, ít trung tâm vui chơi… thay vào đó là các hàng quán, chỗ gửi xe, trung tâm mua sắm, khu căn hộ… Theo PGS.TS.KTS Huỳnh Đăng Hy, trong hầu hết đồ án quy hoạch từ năm 1990 đến nay thể hiện không rõ hệ thống trung tâm dịch vụ công cộng.

Hệ thống KGCC đô thị chưa có sự liên kết về không gian, chưa phân bố hợp lý, phù hợp với cấu trúc và sự phát triển của đô thị. Ngoài ra, công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, nhất là tại các TP lớn, khiến hệ thống KGCC có xu hướng ngày càng trở nên quá tải, phát sinh nhiều mâu thuẫn.

TS. NGUYỄN THANH BÌNH,
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

Thủ đô Hà Nội có thể coi là thí dụ rõ nét cho việc thiếu hụt những khoảng không quý giá này. Đến nay Hà Nội vẫn chưa hình thành rõ nét một trung tâm công cộng cấp quận. Thậm chí ở mỗi quận không có nổi một quảng trường trung tâm để có thể tổ chức vui chơi, sinh hoạt cộng đồng nhân dịp lễ hội.

Thủ đô chỉ còn 0,3% tổng diện tích đất dành cho các công viên trong thành phố, bình quân chưa đạt 1m2/người, chỉ bằng một nửa của Bangkok (Thái Lan).

Thêm vào đó người dân đô thị đang “đổ xô” ra vỉa hè, đường phố để phục vụ cho mọi hoạt động cá nhân của mình. Không chỉ trong các khu vực đô thị cũ đất chật người đông, ngay cả ở các khu đô thị mới được quy hoạch bài bản, thể hiện rõ hệ thống công trình công cộng (trường học, vườn hoa, sân chơi, nhà văn hóa...) nhưng cũng bị "chen lấn".

Khó quản vì... thiếu luật?

Sự xuống cấp của KGCC kéo theo sự xuống cấp của bộ mặt đô thị Việt Nam. Một đô thị nhếch nhác, chật chội, lộn xộn, thậm chí “nghẹt thở” là điều rất dễ thấy ở Hà Nội, TPHCM hay một số đô thị lớn khác. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc sắp xếp lại trật tự này gần như vô phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, hiện nay KGCC cấp đô thị ở Việt Nam còn rất thiếu, nhiều nơi sử dụng chưa đúng mục đích, tổ chức không gian chưa thật hiệu quả. Về mặt pháp luật, chưa có văn bản nào cụ thể quy định về quy chế quản lý KGCC tại các đô thị Việt Nam.

Hầu hết các vỉa hè đã bị chiếm dụng phục vụ cho lợi ích cá nhân. Ảnh: LÃ ANH

Hầu hết các vỉa hè đã bị chiếm dụng phục vụ cho lợi ích cá nhân. Ảnh: LÃ ANH

Trên thực tế, để giải được bài toán KGCC Việt Nam không phải là một điều dễ dàng bởi bắt buộc phải giải quyết triệt để từ gốc rễ.

Một ví dụ điển hình là tại Hà Nội, trên 700 khu đô thị mới đang được đưa vào sử dụng nhưng không nơi nào xây dựng hoàn chỉnh các công trình dịch vụ công cộng, đời sống tối thiểu như: chợ, trường học, hành chính dân cư, hạ tầng xã hội, công viên cây xanh, bệnh viện..., thậm chí còn tìm cách cắt xén khiến cho hoạt động của đô thị tại chỗ thực sự bế tắc.

Hay đơn giản hơn, Hà Nội đã ban hành lệnh “cấm” trên nhiều tuyến phố văn minh đô thị nhưng việc hàng rong, xe máy, hàng ăn uống vẫn tràn ra vỉa hè và lòng đường diễn ra rất phổ biến.

Cho đến nay, không thiếu những đề xuất để giải quyết vấn nạn “xà xẻo” KGCC như hạn chế các trung tâm thương mại, bắt buộc chủ đầu tư phải hoàn thành các hạng mục công cộng, quản lý nghiêm đô thị, kể cả đề xuất tư nhân hóa các khu vực này nhưng đều chưa đạt được những kết quả như mong muốn.

Thiết nghĩ, một khi KGCC còn được xem là “miếng mồi” hấp dẫn để thu lợi và các cơ quan quản lý còn làm chưa nghiêm kể từ khâu quy hoạch, hạ tầng đô thị còn thiếu thốn, thì những xung đột quanh khoảng không gian “không của riêng ai” này chắc chắn vẫn còn kéo dài. Hà Nội, TPHCM và nhiều thành phố phát triển với tốc độ nhanh đang có nguy cơ biến thành một đô thị ngột ngạt, hỗn độn, khan hiếm cây xanh và khoảng không.

Các tin khác