Không nên cấm người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần

(ĐTTCO) - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh đề xuất giải pháp theo hướng, đó là nên cho phép người lao động rút BHXH 1 lần nhưng cần có phương án trung gian. 

Sáng 23-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cần có phương án trung gian

Tranh luận về vấn đề rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu quan điểm, làm luật nên đặt mình vào cương vị của người lao động.

ĐB Phạm Văn Thịnh. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Phạm Văn Thịnh. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo ĐB, cần gia cố thêm những chính sách để giữ chân người lao động, theo quan điểm là Nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động bằng các lợi ích chứ không nên bằng các hạn chế. Do đó, ĐB Phạm Văn Thịnh đề xuất giải pháp theo hướng, đó là nên cho phép người lao động rút BHXH 1 lần nhưng cần có phương án trung gian.

"Thực tế hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau, không phải ai cũng có chỗ dựa vững chắc và người thân, gia đình khi về già. Vì thế, Nhà nước cần có một giải pháp để đảm bảo và quy định mang tính nguyên tắc, định hướng, thậm chí là quy định bắt buộc để người lao động phải chuẩn bị từ sớm, từ xa khi tuổi già của mình và không để là một gánh nặng cho gia đình, xã hội", ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) chia sẻ.

Cụ thể, khi người lao động có nhu cầu rút BHXH 1 lần, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách xã hội thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng.

“Chi phí đó thì người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH”, ĐB Phạm Văn Thịnh đề xuất. Đồng thời cho rằng, nên có giải pháp trung gian như vậy, cùng với các chính sách khác sẽ hấp dẫn được người lao động bằng các lợi ích.

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận sáng 23-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận sáng 23-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trước đó, thảo luận góp ý về rút BHXH 1 lần, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa. Đồng thời nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH 1 lần. Khi đó người lao động chỉ được rút phần đã đóng, phần còn lại được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động.

ĐB Phạm Văn Hòa. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Phạm Văn Hòa. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đồng tình ý kiến ĐB Tô Văn Tám, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, người lao động có quyền rút BHXH 1 lần. ĐB nhấn mạnh điều cốt lõi là giữ chân người lao động trong hệ thống BHXH.

Do đó, cần có quy định để người lao động giữ sổ bảo hiểm để khi nghỉ hưu người lao động có lương hưu. Trong điều kiện hiện nay, ĐB cho rằng cần nghiên cứu quy định để áp dụng phù hợp với tình hình điều kiện đất nước.

Trao quyền lựa chọn cho người lao động

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, một trong những lý do chính khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt.

Việc rút BHXH 1 lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ.

ĐB Nguyễn Thanh Cầm. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Thanh Cầm. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Thanh Cầm kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng BHXH 1 lần.

Đồng tình ý kiến trên, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, rút BHXH 1 lần là một thực trạng vô cùng day dứt hiện nay, gây tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga. VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga. VIẾT CHUNG

Theo ĐB, đây là một vấn đề lớn, có tác động sâu sắc đến người dân, đặc biệt những trường hợp cần rút BHXH 1 lần đều là những trường hợp thường có khó khăn về kinh tế.

Để hạn chế tình trạng này, ĐB cho rằng, cần trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ BHXH để giữ chân người lao động trong hệ thống BHXH.

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận sáng 23-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận sáng 23-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngoài ra, quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút BHXH 1 lần. Từ việc hạn chế, siết chặt bằng các quy định sau đó mới có thể tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút BHXH 1 lần.

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) chia sẻ trước những băn khoăn của các ĐB về các phương án rút BHXH 1 lần và phản ứng của người dân. Tuy nhiên, ĐB cho rằng, BHXH là chỗ dựa rất cơ bản của người lao động khi tuổi cao, sức yếu và không thể làm ra của cải vật chất để nuôi mình.

ĐB Dương Khắc Mai cho rằng, ở đây phải tác động mạnh bằng chính sách, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, tạo niềm tin vững chắc cho người lao động. Do đó, ĐB nhất trí với đề xuất về việc được rút phần do người lao động đóng, phần do người sử dụng lao động đóng thì giữ lại sau này cho người lao động hưởng lương hưu.

Theo tờ trình Luật BHXH (sửa đổi), bao gồm các phương án rút BHXH 1 lần của Chính phủ có trình 2 phương án.

Trong đó, phương án 1 quy định việc hưởng BHXH 1 lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau. Phương án 2, đơn giản hơn, chỉ giải quyết 1 phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Các tin khác