Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) thực hiện, dự án có tổng mức đầu tư 58,71 tỷ USD, đầu tư theo đối tác công- tư PPP để xây dựng mới tuyến đường sắt dành riêng chở khách dài khoảng 1.559km, tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ.
Dự án nối Hà Nội và TPHCM và đi qua 20 địa phương. Trong giai đoạn 1 từ 2020 - 2030, dự án đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM. Giai đoạn 2 từ năm 2030-2040, đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội nhất trí sự cần thiết phải có đường sắt tốc độ cao, tuy nhiên cần xem xét việc chọn công nghệ nào phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng của nền kinh tế.
Trong đó, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng chúng ta chưa đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm để triển khai tàu tốc độ cao 320km/giờ. Chi phí, cơ sở vật chất cho đào tạo bảo hành, sửa chữa đóng mới toa xe cũng rất lớn. Do đó, cơ quan lập dự án, thẩm định dự án cần cân nhắc lựa chọn.
Ông Hùng cũng đề xuất trước mắt triển khai dự án bằng ngân sách Nhà nước đoạn đường tốc độ cao từ TPHCM đi Nha Trang, nếu hiệu quả mới triển khai dự án tốc độ cao theo quy hoạch.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng phương án tài chính của dự án cần làm rõ cơ cấu sử dụng vốn ngân sách và vốn tư nhân, mỗi phương án tài chính cần được xây dựng trên cơ sở cập nhật và phân tích đúng thực trạng cũng như xu hướng tăng trưởng kinh tế, chi ngân sách Nhà nước, khả năng vay nợ công và vay ODA… nhằm tăng tính khả thi.
* Cùng ngày, Sở GTVT TPHCM cho biết, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trục Tây Bắc TPHCM, sở kiến nghị UBND TP xây nút giao ngã tư Đình (Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Quá, quận 12) với tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng.
Theo đó, hạng mục chính của dự án gồm cầu vượt trên Quốc lộ 1 dài 600m, trong đó phần cầu dài 240m, 4 làn xe. Song song đó là 3 tuyến đường qua nút giao gồm Nguyễn Văn Quá, Tân Thới Hiệp 20 và Nguyễn Thị Đặng cũng được mở rộng.
Theo Sở GTVT, Quốc lộ 1 hiện là trục giao thông chính, nhưng khu vực ngã tư Đình thường xuyên bị kẹt, nhất là vào giờ cao điểm. Cầu vượt khi xây xong đáp ứng xe chạy 80km/giờ, giảm ùn tắc cho khu vực.
Ngoài dự án trên, cửa ngõ Tây Bắc thành phố sắp tới cũng sẽ thực hiện nhiều công trình như cải tạo Quốc lộ 22, xây cầu vượt giao lộ Quốc lộ 22 - Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), Quốc lộ 22 - Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn), đường song hành Phan Văn Hớn (quận 12)…