Không ngại dấn thân

Chưa tới tuổi 30, nhưng Mai Trường Giang đã là tổng giám đốc của 3 công ty có tiếng trên thị trường gồm Khuông Việt (sở hữu chuỗi bánh su Chewy Junior), KV1 (chuỗi cà phê Starup Coffee) và CTCP Đầu tư Vis. ĐTTC đã có buổi trao đổi với doanh nhân trẻ này.

Chưa tới tuổi 30, nhưng Mai Trường Giang đã là tổng giám đốc của 3 công ty có tiếng trên thị trường gồm Khuông Việt (sở hữu chuỗi bánh su Chewy Junior), KV1 (chuỗi cà phê Starup Coffee) và CTCP Đầu tư Vis. ĐTTC đã có buổi trao đổi với doanh nhân trẻ này.

PHÓNG VIÊN: - Chỉ sau hơn 3 năm, Chewy Junior đã có 15 cửa hàng từ Bắc chí Nam, tốc độ phát triển này có vẻ nhanh hơn dự kiến của anh?

Anh MAI TRƯỜNG GIANG: - Sau thành công của cửa hàng đầu tiên, tôi muốn mở thêm cửa hàng thứ hai nhưng khi ấy điều kiện tài chính chưa cho phép.

Tuy nhiên, thời điểm đó có một đối tác đến đề nghị được nhượng quyền thương hiệu mà sau này tìm hiểu tôi được biết anh này cũng từng sống tại Singapore, cũng muốn nhượng quyền Chewy Junior về Việt Nam nhưng lại chậm hơn tôi một bước.

Và tôi chấp nhận nhượng quyền. Khi cửa hàng thứ 2 được mở, tôi nhận ra nhượng quyền chính là con đường nhanh nhất để phát triển chuỗi nên quyết định đi theo con đường này. Đó là lý do sau hơn 3 năm Chewy Junior đã có tới 15 cửa hàng.

- Nhưng nhượng quyền kinh doanh lại tiềm ẩn nhiều rủi ro mà ngay cả những bậc thầy trong lĩnh vực này cũng khó tránh khỏi?

- Vốn là dân tay ngang (học chuyên ngành xây dựng tại Singapore) nên tôi phải vừa làm vừa tự học hỏi, rút kinh nghiệm. Và cũng có một hợp đồng nhượng quyền bị thất bại. Cái rủi ro lớn nhất khi kinh doanh nhượng quyền chính là khả năng kiểm soát. Nếu một cửa hàng làm khác đi sẽ làm gãy cả hệ thống.

Có những phản hồi của đối tác tôi phải mang tận sang Singapore để trao đổi với người chủ thương hiệu để đưa ra quyết định cuối cùng. Cùng với đó đội kiểm tra chất lượng của công ty cũng phải thường xuyên xuống các chi nhánh. Kinh nghiệm lớn nhất tôi có được đến thời điểm này chính là khi chọn đối tác nhượng quyền, trước hết phải nhìn vào tính cam kết cao của họ.

Chuỗi cà phê Starup Coffee. Ảnh: T. DUNG

Chuỗi cà phê Starup Coffee. Ảnh: T. DUNG

- Kinh nghiệm nhượng quyền của chuỗi Chewy Junior liệu có được áp dụng cho chuỗi cà phê Starup Coffee của anh?

- Hồi cuối năm 2012, tôi cho ra đời cửa hàng cà phê Starup Coffee vì nhìn thấy tiềm năng của thị trường này. Đến nay Starup đã có 3 cửa hàng và trong tháng này sẽ khai trương thêm 2 cửa hàng. Tôi và các cộng sự đang trên đường đẩy mạnh sự phát triển của chuỗi này để trở thành thương hiệu dẫn đầu trong mô hình cà phê mang đi.

Với chuỗi Starup Coffee tôi sẽ thực hiện mô hình cho thuê lại. Tức tôi sẽ đầu tư một cửa hàng hoàn thiện, cho chạy một thời gian sau đó sẽ cho thuê lại. Hợp đồng sẽ được ký trong 6 năm với mức giá 150 triệu đồng. Lợi nhuận được chia trong năm đầu là 25% và 70% trong đó người thuê lấy phần lớn. Sau đó mỗi năm bên tôi sẽ tăng lên 5% và đến năm thứ 6 thì mức chia là 50:50.

Đây là mô hình tôi học tập từ Singapore. Đến nay tôi đã có 2 đối tác đang thực hiện theo mô hình này. Ngoài ra, khi thành lập Starup Coffee tôi cũng mong muốn nó trở thành nơi chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình với những bạn trẻ có khát vọng kinh doanh nhằm biến ước mơ của các bạn thành hiện thực. Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, những bạn có ý tưởng có thể được cùng làm kế hoạch, kêu gọi đầu tư…

- Nếu việc kinh doanh bánh, cà phê bởi nhìn thấy tiềm năng thì việc tham gia vào thị trường bất động sản vào thời điểm 2011, khi thị trường còn nhiều khó khăn là vì điều gì?

- Vào tháng 2-2011 tôi thành lập CTCP Vis và làm theo mô hình công ty tôi từng làm bên Singapore. Trong bối cảnh thị trường đang đi xuống, chúng tôi xác định ngay hướng đi cho công ty của mình là theo hướng môi giới cho thuê văn phòng, nhà ở.

Tôi muốn chuyên nghiệp hóa nghề môi giới chứ không nên hiểu theo cách “cò nhà đất”. Công việc này cũng hỗ trợ cho việc tìm kiếm mặt bằng phát triển 2 chuỗi bánh ngọt và cà phê. Ngoài ra, tôi đã thành lập website bất động sản www.dataonline.com.vn giúp khách hàng có thể tìm kiếm thông tin về bất động sản của Việt Nam và Singapore.

- Được biết, ngoài chuỗi Starup Coffee anh đang ấp ủ kế hoạch cho ra đời một số chuỗi khác như hải sản nướng kiểu Nhật Bản. Vậy việc gọi vốn đầu tư hiện như thế nào?

- Đúng là tôi không thể có đủ tài chính để có thể tự mình mở hết các chuỗi. Ngày trước khi mở Chewy tôi kêu gọi vốn từ người thân, sau là bạn bè, dần dần khi công việc tốt có nhiều nhà đầu tư tìm đến mình, muốn cùng hợp tác. Hiện tôi có 2 công việc là phát triển chuỗi và gọi vốn đầu tư.

Cũng có cả những nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại cổ phần nhưng thời điểm này, tôi muốn tự mình được trải nghiệm hơn. Còn nhớ trước đây có nhà đầu tư của Pháp muốn đầu tư vào Chewy với số vốn là 2 triệu USD nhưng nếu chấp nhận tôi sẽ không thể nhiều kinh nghiệm như bây giờ vì khi đó mình mất có nhiều quyền kiềm soát đứa con của mình.

- Xin cảm ơn anh.

Các tin khác