Ngày 19-12, CTCP Nhiệt điện Phải Lại (PPC) công bố Nghị quyết số 87 về việc thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định Nhà máy Phả Lại 2 từ mức hiện tại 2 năm thành 10 năm. Thay đổi này có thể mang lại lợi nhuận cho PPC trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì ngược lại.
Đột biến lợi nhuận
Được biết, trong 2 nhà máy nhiệt điện của PPC, Nhà máy Phả Lại 1 đã hết khấu hao, còn Nhà máy Phả Lại 2 dự kiến sẽ khấu hao hoàn toàn giữa năm 2016. Tuy nhiên, theo quyết định nói trên, thời gian khấu hao của Nhà máy Phả Lại 2 sẽ được kéo dài thêm 10 năm, tính từ năm nay.
Giá CP PPC cũng “nhảy múa” liên tục mỗi khi PPC ghi nhận sự biến động về tỷ giá. Đợt thay đổi thời gian khấu hao tài sản cố định lần này cũng tạo sự chuyển biến tích cực cho mã PPC, giá đã tăng hết biên độ trong phiên giao dịch ngày 22-12. PPC hiện đang giao dịch ở mức 27.000 đồng/CP. Đây là mức giá cao nhất của mã này kể từ đầu năm 2014. |
Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), dựa trên giá trị tài sản cố định cuối năm 2013, nếu giãn thời gian trích khấu hao thêm 10 năm chi phí khấu hao mỗi năm khoảng 152 tỷ đồng, còn thời gian khấu hao cũ hơn 600 tỷ đồng.
Theo BCTC, đến cuối quý III-2014, PPC đã trích khấu hao tài sản cố định khoảng 521 tỷ đồng, PPC sẽ hoàn nhập khoản chi phí này trong quý IV-2014. Chính vì vậy, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng thêm nhờ việc hoàn nhập 370 tỷ đồng và lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện ước tính vào khoảng 375 tỷ đồng trong quý cuối năm 2014.
Dự báo sản lượng điện bán cho EVN năm 2014 đạt 5,6 tỷ kWh, tổng doanh thu đạt 7.849 tỷ đồng. Nếu tính cả khoản lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và hoàn nhập chi phí khấu hao thì lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của PPC sẽ đạt hơn 1.486 tỷ đồng và 1.195,6 tỷ đồng, tương đương với EPS 3.758 đồng/CP.
Tuy nhiên, nếu loại trừ tác động của 2 yếu tố bất thường trên, EPS của PPC sẽ vào khoảng 2.277 đồng, tương ứng PE 11,8x (giá cuối ngày 22-12). Đặc biệt, với việc giãn thời gian khấu hao còn lại của Nhà máy Phả Lại 2 lên 10 năm và hoàn nhập chi phí khấu hao đã trích, không chỉ đột biến về lợi nhuận quý IV-2014 mà lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 và 2015 sẽ cao hơn so với việc không thay đổi thời gian khấu hao tài sản cố định.
Không thể tự quyết số phận
Theo phân tích của VDSC, vẫn có nhiều lo ngại về khả năng sinh lời của Nhà máy Phả Lại 2 kể từ năm 2016 do giá mua điện của EVN đã được cố định ở mức 1.233 đồng/Kwh trong 18 năm trong khi vẫn còn tiếp tục phải khấu hao (lẽ ra đã được trích hết từ 2014-2016) và chi phí mua than trong các năm tới có thể sẽ tiếp tục bị điều chỉnh tăng lên theo giá thị trường.
Mặt khác, dù tỷ giá VNĐ/JPY đang giảm nhanh, NĐT quan tâm đến CP PPC, cũng không nên kỳ vọng nhiều vào khoản lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại khoản vay bằng JPY của PPC vì khoản này vốn không tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp.
Do đó, khoản lợi nhuận này không được dùng để chia cổ tức mà ngược lại làm tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà PPC phải nộp và làm giảm lợi nhuận còn lại cho cổ đông. Trước đó, PPC đã công bố sẽ tạm ứng cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt với tỷ lệ chỉ có 8% (ngày thanh toán 15-1).
![]() |
Đợt thay đổi thời gian khấu hao tài sản cố định cũng tạo sự chuyển biến tích cực cho PPC. |
PPC là mã CP được giới đầu tư hết sức quan tâm, bởi doanh nghiệp luôn có sự đột biến trong kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, tâm điểm của PPC dưới góc nhìn của NĐT lại không từ hoạt động cốt lõi mà đến từ những yếu tố khách quan, vì doanh nghiệp chưa thể tự quyết được số phận của mình. Đó là chênh lệch tỷ giá VNĐ/JPY do PPC đang có khoản vay ngoại tệ dài hạn bằng đồng Yên Nhật.
Theo BCTC năm 2013, doanh thu hợp nhất của PPC đạt 1.639 tỷ đồng (tăng 60%) và đặc biệt là lợi nhuận ròng tăng gấp 3 lần so với năm 2012 (đạt 1.161 tỷ đồng) nhờ hưởng chênh lệch tỷ giá giữa và VNĐ và JPY. Và tình hình nhanh chóng thay đổi khi bước vào quý I-2014. Dù doanh thu trong quý tiếp tục tăng cao (tăng 33%) nhưng lợi nhuận gộp lại suy giảm mạnh với 310 tỷ đồng (giảm 18%).
Nguyên nhân do tỷ giá VNĐ/JPY tăng từ 199 đồng lên 203,4 đồng trong quý I, nên PPC không ghi nhận lãi tỷ giá. Việc JPY tăng giá so với VNĐ chính là nguyên nhân khiến PPC ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 104 tỷ đồng, đẩy chi phí tài chính lên 141 tỷ đồng (gấp 3 lần so với cùng kỳ), trong khi lợi nhuận ròng giảm đến 77% (đạt 221 tỷ đồng).
Bước sang quý II-2014, tỷ giá VNĐ/JPY tiếp tục tăng từ 203,4 đồng lên 209 đồng khiến PPC tiếp tục gánh khoản lỗ tỷ giá khoảng 150 tỷ đồng. Đến quý III PPC lại bất ngờ lãi lớn khi khi tỷ giá VNĐ/JPY giảm.