Không quá thất vọng KQKD 2012

Tính tới thời điểm cuối tháng 1-2013, đã có 353 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh năm 2012, với 83% doanh nghiệp báo lãi.

Tính tới thời điểm cuối tháng 1-2013, đã có 353 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh năm 2012, với 83% doanh nghiệp báo lãi.

Cụ thể, chỉ có 61 doanh nghiệp báo lỗ trong khi số doanh nghiệp công bố lợi nhuận thực dương là 292 doanh nghiệp với tổng lợi nhuận sau thuế đạt 8.761 tỷ đồng.

Như vậy, mức lợi nhuận này chỉ giảm 4,8% so với năm 2011 là 9.205 tỷ đồng và hoàn thành được 84,2% kế hoạch đề ra cho năm 2012. Với kết quả này, EPS của các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh năm 2012 đạt 1.371 đồng/CP, chỉ giảm 6,3% so với mức EPS 1.463 đồng/CP của năm 2011.

Trong số các doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) là doanh nghiệp có mức lợi nhuận năm 2012 lớn nhất.

Theo đó, DHG lãi hơn 491 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch đề ra và tăng trưởng lợi nhuận 18% so với năm 2011. Ngược lại, CTCP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Sài Gòn (PSG) là doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ lớn nhất với khoản lỗ lên đến 251 tỷ đồng.

Lĩnh vực ngân hàng luôn nằm trong nhóm các lĩnh vực có lợi nhuận lớn nhất vẫn chưa có đơn vị nào công bố số liệu kết quả kinh doanh hợp nhất, ngoại trừ Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) đã công bố kết quả kinh doanh riêng lẻ với lợi nhuận sau thuế cả năm 2012 đạt 4.269,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) kỳ vọng là ngân hàng đạt lợi nhuận cao nhất trong năm 2012, ước tính lợi nhuận là 6.159 tỷ đồng. Do ngành ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh nên lĩnh vực công nghệ thông tin tạm thời dẫn đầu với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 618%. Kế đến là ngành dịch vụ tài chính tăng 191%, ngành ô tô và phụ tùng tăng 127%.

Phía ngược lại, bất động sản là nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất, âm 90%. Song hành với lĩnh vực bất động sản là ngành vật liệu xây dựng cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận âm 47%.

Theo thống kê, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống dẫn đầu về lợi nhuận với tổng lợi nhuận ròng đạt 1.363 tỷ đồng. Các ngành có lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng được ghi nhận là hóa chất (1.191 tỷ đồng) và điện-nước, xăng dầu-khí đốt (1.061 tỷ đồng).

Đáng chú ý nhất là sự khởi sắc của các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ tài chính. Nếu năm 2011, các doanh nghiệp này lỗ 638 tỷ đồng thì năm 2012 lãi hơn 581 tỷ đồng. Trái ngược với lĩnh vực dịch vụ tài chính là lĩnh vực bất động sản. Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này trong năm 2011 là 235 tỷ đồng, đến năm 2012 giảm chỉ còn 22 tỷ đồng (giảm hơn 10 lần).

Nếu xét về hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế dẫn đầu bảng với tỷ lệ ROA và ROE đạt lần lượt 17% và 25,9%. Hóa chất cũng là ngành có hiệu quả kinh doanh tương đối cao với ROA và ROE đạt lần lượt là 14,5% và 26,7%.

Ngành ô tô và phụ tùng có ROA và ROE đạt lần lượt 11,1% và 23,4%. Bất động sản là lĩnh vực “đội sổ” về hiệu quả hoạt động với ROA và ROE lần lượt là 0,1% và 0,3%. Lĩnh vực dịch vụ tài chính dù có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhưng ROA và ROE vẫn thấp do vốn điều lệ lớn là 1,5% và 2,7%.

Nhóm ngành có chỉ số P/E thấp nhất trên TTCK là truyền thông (4,1x), hóa chất (5,1x), bảo hiểm (5,8x), điện-nước, xăng dầu-khí đốt (5,8x), hàng gia dụng (5,9x), tài nguyên cơ bản (7,1x).

Tình hình kinh doanh bết bát khiến chỉ số P/E của các doanh nghiệp bất động sản tăng chóng mặt là 242,9x. Các ngành có P/E đạt trên 2 con số: bán lẻ (21,2x), dịch vụ tài chính (19,3x), vật liệu xây dựng (12,9x), dịch vụ giải trí (11x)... 

Các tin khác