Không tăng học phí - thách thức với ngành giáo dục

(ĐTTCO)- Không tăng học phí năm học mới, vừa tự chủ vừa tự lo, các trường phải xoay sở ra sao để cân đối tài chính, đảm bảo chất lượng và giữ chân đội ngũ giáo viên?
Không tăng học phí - thách thức với ngành giáo dục

Không tăng học phí, phụ huynh - học sinh vững tâm hơn khi chọn trường

Không ít sinh viên, phụ huynh như trút được gánh nặng trước thềm năm học mới khi nghe tin không tăng học phí trong năm 2023 - 2024.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định: Không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học.

Đây cũng là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024, và dự kiến sẽ trình Chính phủ.

Không tăng học phí được coi là tăng cơ hội bước vào cánh cửa đại học của nhiều học sinh. Bởi học phí cao không chỉ là rào cản khiến nhiều học sinh tạm gác lại giấc mơ đại học mà còn là nỗi lo xuyên suốt cả một kỳ hè vừa qua của nhiều bạn sinh viên trên cả nước.

Áp lực đóng học phí còn lớn hơn đối với nhiều phụ huynh và học sinh ở các vùng khó khăn. Tại Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An, nhiều em học sinh dù có học lực tốt nhưng bố mẹ lại không thể chu cấp tiền học phí đại học.

Thực tế không ít thí sinh dù đỗ đại học rồi, nhưng không đủ điều kiện tài chính đành chọn hướng rẽ khác. Học phí đang là yếu tố quan trọng để thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường.

Ngoài học phí còn hàng loạt chi phí khác. Không tăng học phí, nhiều phụ huynh và học sinh có thể vững tâm hơn khi chọn trường, chọn ngành và đảm bảo năng lực tài chính suốt 4, 5 năm đại học.

Cần có chính sách hỗ trợ các trường, giữ chân giáo viên

Các trường đại học cũng phải chịu tác động rất lớn của dịch bệnh và đã không tăng học phí ba năm qua. Trong khi sứ mệnh phải phát triển nguồn nhân lực bền vững. Nhiều đại học lo lắng bởi đã bị cắt ngân sách sau khi tự chủ, có trường bị cắt 100%. Còn học phí thì không được tăng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ: "Học phí không tăng, vậy làm thế nào để bù đắp phần chi phí thâm hụt này? Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ và giảm cho ngân sách nhà nước trong Nghị định 60. Chúng tôi cũng đề nghị với các bộ ngành có chính sách hỗ trợ các trường tương tự như Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để đảm bảo duy trì chất lượng đầu ra phục vụ phát triển bền vững đất nước".

Một trong những thách thức lớn nhất của ngành giáo dục hiện nay là giữ chân giáo viên, đặc biệt khi mà tình trạng thiếu hụt giáo viên đang diễn ra trên khắp cả nước. Hiện tượng giáo viên nghỉ việc đã xảy ra liên tục trong những năm học trở lại đây. Hơn 9 nghìn giáo viên đã nghỉ việc trong năm vừa rồi. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là giáo viên không đủ sống với đồng lương của mình.

Anh Thắng có 12 năm biên chế. Anh bỏ nghề 4 năm nay để đi làm công việc cung cấp cây cảnh, trang trí nhà cửa. 8 năm lên vùng đặc biệt khó khăn của Hà Giang dạy học, 4 năm tiếp theo về Hà Nội, có bằng Đại học, vừa dạy mỹ thuật, vừa làm tổng phụ trách đội, khi anh nộp đơn nghỉ việc, lương anh được 5,5 triệu đồng/tháng.

Quyết định không tăng học phí trong năm học 2023-2024 của Chính phủ là sự đồng hành, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, sinh viên.

Còn đối với ngành giáo dục, dù học phí được giữ nguyên hay điều chỉnh, tổng nguồn lực dành cho giáo dục, bao gồm cả tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất… vẫn cần được giữ vững. Trong khó khăn chung của toàn xã hội, phải tự khắc phục khó khăn để duy trì chất lượng đào tạo. Bởi không đầu tư cho giáo dục thì sẽ càng thêm gánh nặng cho việc học.

Các tin khác