Không thể bắt dân phải hy sinh lợi ích cộng đồng

(ĐTTCO) - GS. John Macionis, Trường Đại học Ilinoi, từng đã cảnh báo một trong số những lý do làm "tan vỡ" cộng đồng truyền thống là mở đường cao tốc đi qua làng của họ.
Hàng rào bảo vệ đường cao tốc bị người dân cắt phá lấy lối đi.
Hàng rào bảo vệ đường cao tốc bị người dân cắt phá lấy lối đi.

Có lẽ cao tốc Hà Nội - Lào Cai là tuyến đường giao thông nhanh đầu tiên có chiều dài nhất (gần 300km) được khởi công sau đổi mới ở Việt Nam. Tiếp sau đó rất nhiều tuyến giao thông nhanh được khởi công ở miền Bắc, miền Trung, và đặc biệt ở miền Đông và Tây Nam bộ trong thời gian gần đây.

Trong đó, đã đưa vào sử dụng 8/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của cả nước lên 1.822km; khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; khởi công các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Cao tốc mang lại lợi ích rất lớn là rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh thành, do các tuyến đường mới mở được phòng tuyến thẳng hơn. Trước kia, do kỹ thuật chưa hiện đại nên việc phải tránh các địa hình vướng núi, qua đồi, vòng qua các vùng đất yếu, sông rộng. Còn hiện nay kỹ thuật giúp nhà thầu có thể đi xuyên qua núi, bắc cầu với độ dài không hạn chế, vì thế đường ngắn lại song chất lượng cao hơn, nhiều làn xe hơn, nên tốc độ xe được tăng lên 120-150km/giờ. Từ Hà Nội đi Lào Cai chỉ mất chừng 4 giờ, TPHCM đi Phan Thiết chỉ còn hơn 2 giờ.

Nhưng có nghịch lý, là trong khi kéo xa lại gần lại có chuyện đẩy gần ra xa. Điều này đã và đang xảy ra với các cộng đồng dân cư có đường cao tốc đi qua. Hiện tượng rất phổ biến ở hầu như tất cả tuyến cao tốc liên tỉnh là bà con sống ở 2 bên cao tốc tìm mọi cách để băng ngang đường bất chấp xe chạy tốc độ cao.

Bà con dỡ hàng rào lưới, phá bỏ hàng rào chắn có lan can sắt, cắt từng đoạn thanh ngang phòng hộ vừa là rào chắn hành lang an toàn vừa là để bảo vệ xe khi có sự cố. Việc tự ý tháo dỡ này không chỉ làm mất an toàn giao thông, còn vi phạm luật. Vì như thế là phá hủy tài sản công cộng, gây ra tình trạng mất an ninh khu vực. Có thể điểm qua một vài vụ việc này.

Ngay sau khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác toàn tuyến, đã xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân 2 bên đường phá hàng rào, hộ lan, chăn thả trâu bò, trồng hoa màu trong hành lang đường bộ cao tốc, thậm chí lên đường cao tốc để tham gia giao thông và bắt xe khách. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến 10 vụ tai nạn giao thông khiến 11 người chết và 5 người bị thương.

Dọc tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km đi qua thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang có hàng chục vị trí hàng rào bị tháo dỡ, trở thành mối đe dọa rất lớn cho người tham gia giao thông và chính người dân sống 2 bên đường. Hay cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế dài 98,35km, hiện có hàng chục điểm bị người dân cắt, phá hàng rào bảo vệ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Liên Khương - Đà Lạt, cao tốc Hà Nội-Bắc Giang.

Trước thực trạng này, các ban quản lý dự án đã tìm mọi giải pháp kỹ thuật ngăn chặn, như đổ đất tạo con lươn cao trên nền đường, hàn đóng bằng cột bê tông chôn sâu thay cột sắt, thay lan can bằng tôn sóng, chôn thêm cột bổ sung, hàn chết các lan can phòng hộ thay cho việc bắt bulông… Cùng với đó, chính quyền địa phương nhắc nhở, xử phạt. Thế nhưng, tình trạng không suy giảm, còn có nguy cơ gia tăng.

Có thể trước đó các khu vực dân cư này chưa có đường, hoặc có đường nhỏ chỉ 2 làn xe, nay đường lớn rộng thênh thang 4, 6 thậm chí 8 làn xe 2 chiều, bề rộng mặt đường rộng 30m, nếu kể cả hành lang an toàn lên đến gần 100m, khiến bà con đi lại trong nội khu khó khăn hơn.

Người dân muốn ra đồng cấy hái phải đi xa vài cây số để đến nút giao thông gần nhất, sau đó đi vòng lại chỗ cũ để ra đồng, như thế mất cả tiếng. Chỗ nào có cầu cạn là may, nhưng việc gánh gồng nặng, dắt trâu bò đi qua cầu cạn là cả vấn đề, chưa kể các loại xe 2 bánh, 4 bánh thô sơ như xe cải tiến, xe bò, xe trâu không qua được.

Trước đây, hàng xóm với vài chục nóc nhà liền kề nhau, có đám cưới, đám ma, hay đơn giản là xin tí mắm muối là í ới chạy qua chạy lại vài bước chân. Nay có đường cao tốc bắc ngang phải mất thời gian đi vòng vèo, thành ra “gần nhà xa ngõ”. Việc xé rào, băng ngang dải phân cách như thế thật nguy hiểm, đã có nhiều người chết, bị thương, nhưng đúng là cực chẳng đã bà con mới đánh liều như thế.

Có một thực tế, là đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công dường như bỏ quên những người dân này. Họ có làm cầu vượt nhưng quá ít và cách xa nhau, trong nhiều trường hợp cầu cạn lại không gắn với khu dân cư và rất khó sử dụng.

Theo tập quán của người dân miền Tây, mỗi đầu kênh thủy lợi sẽ có tuyến đường dân sinh. Người dân có thể chạy xe trên tuyến đường này, hoặc đi bằng xuồng vận chuyển nông cụ, vật tư nông nghiệp đến đất nhà để canh tác. Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau khi hoàn thành đã chia đất của người dân thành 2 khu tách biệt, dọc tuyến đường không được thi công đường dân sinh.

Chính vì thế, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải sớm thi công đường dân sinh để người dân đi lại, canh tác, đảm bảo an toàn cho tuyến cao tốc.

Việc làm hầm chui qua đường có thể tốn kém hơn cầu cạn, nhưng thuận tiện hơn cho người dân, xe cộ di chuyển qua lại và vận chuyển các loại vật liệu xây dựng cồng kềnh, hàng hóa. Nhưng các chủ đầu tư có vẻ không hứng thú với hầm chui vì tốn kém, phức tạp và thời gian xây dựng lâu hơn. Có lẽ vì thế, trên các tuyến cao tốc của Việt Nam hầu như không có hầm chui dân sinh.

Phát triển đường cao tốc là cần thiết nhưng không vì thế bắt dân phải hy sinh lợi ích cộng đồng. GS. John Macionis, Trường Đại học Ilinoi, từng đã cảnh báo một trong số những lý do làm "tan vỡ" cộng đồng truyền thống là mở đường cao tốc đi qua làng của họ.

Các tin khác