Không thể đổ thừa

Sau cú sốc đó, ngành HKVN đã bừng tỉnh, cùng với sự quyết liệt của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, hàng loạt các giải pháp chấn chỉnh chất lượng dịch vụ hàng không đã được đồng loạt triển khai ở tất cả các sân bay.
 

Vào thời điểm này năm ngoái, ngành hàng không Việt Nam (HKVN) đã gần như bị “sốc” sau khi cả hai cảng hàng không quốc tế (CHKQT) lớn nhất nước là Nội Bài, Tân Sơn Nhất cùng nằm trong tốp 10 danh sách sân bay tệ nhất châu Á theo xếp hạng của trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports.

Sau cú sốc đó, ngành HKVN đã bừng tỉnh, cùng với sự quyết liệt của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, hàng loạt các giải pháp chấn chỉnh chất lượng dịch vụ hàng không đã được đồng loạt triển khai ở tất cả các sân bay.

Thế nhưng, sự nỗ lực lớn trong suốt 1 năm qua vẫn chỉ mang về một niềm vui không trọn vẹn cho các nhà chức trách hàng không. Theo kết quả mới nhất ở bảng xếp hạng này, bên cạnh CHKQT Đà Nẵng và Nội Bài đường hoàng lọt vào danh sách tốp 30 sân bay tốt nhất, CHKQT Tân Sơn Nhất vẫn ì ạch ở lại tốp 10 của danh sách sân bay tệ nhất châu Á.

Nhiều ý kiến cho rằng, CHKQT Nội Bài bứt phá về chất lượng dịch vụ không nằm ngoài dự đoán, bởi sân bay này vừa đưa vào khai thác nhà ga T2 - nhà ga lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam - với mức đầu tư gần 900 triệu USD. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi CHKQT Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục trì trệ  bởi sân bay này gần như không có thay đổi gì về hạ tầng kể từ sau lần xếp hạng năm 2014. 

Những ý kiến này là có cơ sở bởi thực tế cũng cho thấy, sự tốt lên về hạ tầng nhà ga, đường lăn, sân đỗ và nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm đã khiến cho hành khách cảm nhận được sự thay đổi hoàn toàn của nhà ga Nội Bài.

Trong khi đó, tại CHKQT Tân Sơn Nhất, với thiết kế kiểu cũ, chỉ được cải tạo một cách manh mún, nhà ga quốc nội có công suất 12 triệu khách/năm nhưng đang phải gánh tới 26 triệu hành khách/năm, nhà ga quốc tế cũng mãn tải… thì dù có thực thi nhiều giải pháp mà Cục HKVN đã triển khai theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, hành khách vẫn hầu như không cảm nhận được có sự tiến bộ nào về chất lượng dịch vụ của sân bay này.

Tuy nhiên, tại cuộc họp mới đây với đại diện Cục HKVN, đại diện các cảng vụ, các đơn vị quản lý khai thác cảng và các hãng hàng không, lãnh đạo Bộ GTVT đã không hoàn toàn đồng ý với việc “đổ thừa” chất lượng dịch vụ cho hạ tầng. Cho dù hạ tầng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng trong điều kiện hạ tầng chưa thể thay đổi, vẫn có thể cải thiện hơn nữa về chất lượng dịch vụ.

Có thể thấy, tại CHKQT Nội Bài, trong thời gian đầu đưa vào khai thác nhà ga T2, dù hạ tầng rất tốt vẫn có rất nhiều ý kiến chê bai về dịch vụ tại nhà ga này, nếu các cơ quan quản lý không lắng nghe phản hồi từ hành khách, không quyết liệt rà soát, chấn chỉnh, từ những cái nhỏ nhất như giá tô mì, bát phở thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý hành khách.

Bên cạnh đó, việc tập trung kiểm soát tình trạng trộm cắp hành lý ký gửi, sắp xếp hoạt động của taxi… cũng là những yếu tố giúp CHKQT Nội Bài ghi điểm. Với cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đại diện lãnh đạo cảng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm của mình trong công tác điều hành quản lý và thừa nhận một số phản ánh của hành khách là hoàn toàn đúng, nhất là các dịch vụ, lĩnh vực phi hàng không như dịch vụ nhà hàng, thái độ phục vụ khách hàng, vệ sinh môi trường, các dịch vụ thông tin wifi…

Tại cuộc họp tổ chức ngày 26-10 về cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, CHKQT Tân Sơn Nhất không phải là của Bộ GTVT, không phải là của TPHCM hay của riêng đơn vị nào mà đó là bộ mặt quốc gia. Các đơn vị đều nói đã làm tốt, đã phối hợp tốt mà lại cho một kết quả không tốt là không thể chấp nhận được.

Trong thời gian tới, Cục HKVN phải hoàn chỉnh báo cáo, đánh giá đúng thực trạng, không tô hồng, không bôi đen, từ đó xác định nguyên nhân để có giải pháp khắc phục. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác liên ngành nhằm rà soát đánh giá các công đoạn phục vụ hiện nay từ mặt đất, trên trời, trong và ngoài sân bay.

“Phải đánh giá nghiêm túc, khách quan, đánh giá cho chính chúng ta, để từ đó làm tốt hơn lên chứ không phải để xếp hạng” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh và cho biết sắp tới sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ xin một số cơ chế đặc thù để xử lý các tồn tại tại Tân Sơn Nhất. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo nâng chất lượng phục vụ hành khách, đảm bảo an ninh an toàn hàng không, đảm bảo an toàn. Bộ GTVT sẽ sớm triển khai xây dựng cảng quốc tế Long Thành để giảm tải cho CHKQT Tân Sơn Nhất tạo điều kiện để giải quyết tận gốc vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không.

Các tin khác