Hiện nay, cả nước đang có gần 5 triệu hộ kinh doanh (dạng hộ cá thể) nhưng trong đó theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mới chỉ có khoảng 2 triệu hộ có đăng ký, còn lại là chưa thể quản lý được một cách minh bạch.
Vì vậy, mặc dù trong Luật Doanh nghiệp hiện hành đã có nhắc tới khái niệm “hộ kinh doanh” nhưng tới lúc cần phải được luật hóa rõ ràng, cụ thể và đầy đủ hơn. Do đó, sau gần 5 năm triển khai, Luật Doanh nghiệp cần được sửa đổi, trong đó cần dành 1 chương riêng cho loại hình 5 triệu hộ kinh doanh này.
Tuy nhiên, tại diễn đàn, rất nhiều đại biểu cho rằng, không thể coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp, cần phải phân định rạch ròi, không thể nhầm lẫn, đánh đồng. Không thể bắt một bà bán nước chè trở thành doanh nghiệp, không thể coi ông chủ quán phở, sau một đêm phải thành giám đốc…
Phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội về dự thảo này vào cuối buổi chiều 20-11, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói rằng, về bản chất thì hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nên phải được định danh, hỗ trợ và tất nhiên cũng phải có nghĩa vụ đối với Nhà nước, người lao động… Do đó, cần phải được luật hóa.
Đây cũng không phải là nội dung mới, như đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nói là đã được nêu trong Luật Doanh nghiệp hiện hành. Bởi trên cơ sở Điều 212 của Luật Doanh nghiệp hiện hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP để hướng dẫn các vấn đề liên quan tới hộ kinh doanh.
“Trên thực tế các nội dung về hộ kinh doanh trong Nghị định 78 đã qua kiểm nghiệm thực tế cho thấy ổn định, phù hợp nên đã đến lúc chín muồi để luật hóa, chuyển sang luật, ở cấp cao hơn”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định, các nội dung nêu trong dự thảo luật này đều được xây dựng theo nguyên tắc, mục tiêu: tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình như công ty tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần… nhằm bảo đảm sự đa dạng hóa các hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.
“Nguyên tắc là không ép buộc các hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp, cũng không xóa bỏ hộ kinh doanh”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Mục tiêu là thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh, bảo đảm nguồn lực đầu tư dưới mọi hình thức là hộ kinh doanh hay doanh nghiệp đều có thể phát huy hết lợi ích, tiềm năng, đóng góp tích cực vào nền kinh tế.
Theo người đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo thì nếu dừng lại ở mức nghị định, quyền tự do kinh doanh của công dân sẽ không được coi là phù hợp với quy định của hiến pháp, vì tất cả những vấn đề liên quan đến quyền và cả sự hạn chế của công dân thì cũng phải được quy định ở luật, nên nếu muốn bổ sung hay hạn chế điều gì của hộ kinh doanh thì phải quy định ở luật chứ không thể ở cấp nghị định được.
"Đây là cơ sở pháp lý cao nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các hộ kinh doanh"- ông Dũng nói.