Trong khi cả thế giới lo lắng mong chờ các nhà lãnh đạo châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, nhiều nhà đầu tư bất động sản ở Hoa Kỳ lại nôn nóng tìm kiếm cơ hội gặt hái lợi nhuận từ sự hoảng loạn ở lục địa già.
Các công ty vốn tư nhân ở Hoa Kỳ đang tranh nhau mua lại các khoản nợ hỗ trợ bằng thế chấp bất động sản của các ngân hàng châu Âu. Bằng việc mua lại các khoản nợ này với giá rẻ mạt, họ hy vọng sẽ kiếm lời 12-18%.
Chứng khoán hỗ trợ bằng tài sản thế chấp là các khoản cho vay bất động sản được đóng gói lại để bán cho giới đầu tư. Tại châu Âu, loại chứng khoán này không phổ biến như ở Hoa Kỳ, mà chủ yếu tồn tại trong bảng kế toán của các ngân hàng, làm lợi nhuận bị sụt giảm.
Cùng với sự tiếp diễn của cuộc khủng hoảng nợ công, các ngân hàng châu Âu muốn “rũ bỏ” những tài sản xấu này càng nhanh càng tốt hòng có thêm vốn và có thể chống đỡ được những thua lỗ trong tương lai. Morgan Stanley ước tính các ngân hàng và công ty tài chính châu Âu có thể sẽ phải cắt giảm tới 760 tỷ USD loại tài sản này.
Trụ sở bỏ dở của ngân hàng Anglo Irish Bank ở Dublin (Ireland) |
Tuy nhiên, cho đến nay, việc bán ra các tài sản này khá yếu ớt. Năm ngoái, các định chế ở lục địa già được bơm vốn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên làm giảm sức ép đối với bảng cân đối kế toán. Năm 2011, Công ty Bất động sản CBRE ghi nhận hơn 20 vụ bán tài sản chứng khoán thế chấp ở các ngân hàng châu Âu với tổng giá trị 20 tỷ EUR (26 tỷ USD).
Xu hướng này dường như giảm xuống trong năm nay, với 14 vụ, có giá trị khoảng 7,5 tỷ EUR. 11 tỷ EUR chứng khoán thế chấp khác đã được các ngân hàng đưa lên thị trường, theo CBRE, trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng tham gia bán ra. Dù vậy, con số thực tế có thể lớn hơn. Bên mua có thể kể đến những tên tuổi lớn ở Hoa Kỳ như Blackstone Group, Lone Star Funds và Colony Capital. Tất cả đều tăng cường sự hiện diện của họ ở châu Âu bằng cách tăng thêm nhân sự, thôn tính các công ty bất động sản tại đó hoặc cả hai.
Chứng khoán thế chấp chủ yếu là các bất động sản thương mại ở Anh và Ireland. Thí dụ, 2 công ty Kennedy Wilson (California) và Cerebus Capital Management (New York) nằm trong số các công ty cuối cùng đấu thầu mua các khoản nợ thế chấp của Allied Irish Bank với 251 bất động sản, trong đó có một hệ thống các quán bar và câu lạc bộ đêm ở Anh và nhiều khách sạn nặng nợ.
Kennedy Wilson, một trong những công ty năng nổ nhất trên thị trường này, năm ngoái đã chi 2,11 tỷ USD (giảm giá 20%) để mua lại một danh mục các khoản nợ thế chấp của Bank of Ireland ở Anh. Vào tháng 6, công ty này và đối tác là Deutsche Bank đã mua lại một danh mục của Lloyds Banking Group (Ireland) với giá 470,7 triệu USD (giảm giá 83%). Một khi mua xong, các công ty tư nhân thường chẻ nhỏ các khoản vay và nhanh chóng bán đi.
Chẳng hạn, Lone Star mua một rổ tài sản của Lloyds Banking Group vào tháng 12-2011. Vài tháng sau, công ty này bán một tài sản thế chấp là một trung tâm thương mại ở Cornwall cho một nhóm các nhà đầu tư.
Trước khủng hoảng, cũng giống như các ngân hàng Hoa Kỳ, các ngân hàng ở châu Âu thường mở rộng các khoản vay nhiều rủi ro với hy vọng tìm kiếm lợi nhuận nhanh. Nhưng cùng với cuộc khủng hoảng tài chính và sau đó là khủng hoảng nợ, các ngân hàng này ngày càng chịu thêm sức ép buộc phải rũ bỏ các loại tài sản nhiều rủi ro đó để cắt lỗ.
Nhưng tại châu Âu, hiện nay hầu như không nhà đầu tư nào đủ can đảm để ôm vào các loại tài sản này, dù chúng được bán với mức giảm giá “khủng”. Và điều này càng tạo lợi thế cho các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ. “Chúng tôi dự báo trong 24-36 tháng tới, thị trường sẽ nhộn nhịp hơn cả 12 tháng qua” - theo Graham Martin, Giám đốc đầu tư toàn cầu của KPMG.