Những yếu tố tích cực hỗ trợ
Lạm phát hạ nhiệt cho phép các ngân hàng trung ương (NHTW) chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất, và dần chuyển từ chính sách thắt chặt sang giai đoạn hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng được đặt ra trong năm 2024, là khi nào lãi suất sẽ hạ và sẽ giảm bao nhiêu?
Hiện tại thị trường tài chính kỳ vọng lãi suất sẽ giảm từ tháng 3-2024, với tổng mức giảm 150 điểm cơ bản cả năm. Kinh tế thế giới đã qua giai đoạn khó khăn nhất, song tác động của chu kỳ thắt chặt tiền tệ, bất ổn địa chính trị, chính sách bảo hộ thương mại vẫn sẽ phủ bóng lên triển vọng 2024.
Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế đang khởi động, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo xuất khẩu năm 2024 sẽ tăng trưởng dương 6-7%, nhờ áp lực chuỗi cung ứng hạ nhiệt đáng kể, đồng thời nhu cầu điện thoại, linh kiện điện tử có xu hướng tạo đáy. Giải ngân đầu tư công ước đạt 85-90% kế hoạch nhờ những nỗ lực thúc đẩy của cơ quan quản lý.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 được các tổ chức trong và ngoài nước kỳ vọng có sự cải thiện khá đáng kể trong khoảng 5,5-6,7%. Trong đó, mức dự báo cao nhất là Standard Bank với 6,7% và thấp nhất là WB với 5,5%. Còn IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 khoảng 5,8% và là 1 trong 20 quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2024.
Theo các tổ chức này, động lực tăng trưởng là sự cải thiện về đầu tư công, tiêu dùng trong nước, phục hồi xuất nhập khẩu và chính sách tiền tệ thiên về mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể, Standard Bank nhận định xuất khẩu và tiêu dùng là động lực tăng trưởng chính, trong đó phần lớn đến từ tiêu dùng. HSBC nhận định xuất khẩu, tiêu dùng (bao gồm tiêu dùng cá nhân và chính phủ) và du lịch sẽ thúc đẩy GDP 2024. Còn với ADB, xuất khẩu và chính sách hỗ trợ là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam.
Kết phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, VN Index tăng vừa tròn 1 điểm, lên xấp xỉ 1.130 điểm. Như vậy, với số điểm khởi đầu năm là 1.007 điểm, VN Index tăng xấp xỉ 123 điểm (tương đương 12,3%).
Ngoài những yếu tố tích cực trên, TTCK 2024 còn nhận được hàng loạt yếu tố hỗ trợ.
Thứ nhất, kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) sẽ tăng trưởng 16,8%, trong bối cảnh vĩ mô cải thiện tích cực.
Thứ hai, môi trường lãi suất thấp sẽ kích thích nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Thứ ba, nhiều dự án bất động sản ở TPHCM và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường. Thứ tư, hệ thống KRX được đưa vào vận hành sẽ tạo nền tảng để nhiều giải pháp giao dịch mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng của Việt Nam.
VN Index kỳ vọng vượt mốc 1.400 điểm
Từ những nhận định trên, các chuyên gia của CTCK MB (MBS) kỳ vọng VN Index tăng lên 1.250-1.280 điểm trong năm 2024, dựa trên cơ sở lợi nhuận DNNY năm 2024 tăng 16,8% và định giá P/E 12-12,5 lần. Các yếu tố tích cực có thể tác động đến thị trường bao gồm: TTCK thế giới có diễn biến tốt trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ, Việt Nam có thể rút ngắn được lộ trình nâng hạng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, MBS đưa ra các yếu tố rủi ro, như thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên TTCK; lạm phát tăng cao hơn so với kỳ vọng (trên 4-4,5%) có thể khiến chính sách tiền tệ đảo chiều.
Tương tự, CTCK Dầu khí (PSI) dự báo mục tiêu của chỉ số VN Index trong năm 2024 sẽ có thể tăng lên vùng 1.137-1.287 điểm. Dự báo của PSI dựa trên các giả định về tăng trưởng thu nhập và định giá phù hợp của thị trường, gồm mức thu nhập (EPS) tăng 15% so với năm 2023; sự phục hồi khi các chính sách hỗ trợ thẩm thấu vào nền kinh tế, kế đến là các nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng.
Với nhận định lạc quan hơn, CTCK Vietcombank (VCBS) dự báo mức cao nhất của VN Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm. Theo VCBS, xu hướng của VN Index kể từ giai đoạn dịch Covid-19 thường đồng pha với xu hướng biến động của mặt bằng lãi suất. Lựa chọn tham chiếu cho mặt bằng lãi suất là lãi suất huy động bằng VNĐ trả sau kỳ hạn 12-13 tháng, và điều chỉnh theo thanh khoản bình quân phiên trên thị trường trong từng giai đoạn cụ thể.
Tuy nhiên, VCBS lưu ý TTCK có khả năng ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ nhịp tăng điểm, trong bối cảnh chịu tác động từ cả yếu tố hỗ trợ tích cực lẫn tiêu cực từ các rủi ro kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn đang hiện hữu.
Trong khi đó, CTCK Tiên Phong (TPS) đưa ra 3 kịch bản cho VN Index trong năm 2024: kịch bản tích cực (1.281-1.400 điểm), kịch bản cơ sở (1.000-1.280 điểm) và kịch bản tiêu cực (900-999 điểm). Ở kịch bản trung lập, TPS cho rằng thị trường đã thành công tạo đáy dài hạn ở năm 2023 và kịch bản của chỉ số trong năm 2024 khó giảm sâu về mức đáy này.
Tuy nhiên, thị trường trong kịch bản này sẽ thiếu các chất xúc tác về mặt vĩ mô cũng như tốc độ phục hồi của các DNNY chưa đặt đúng kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, thị trường sẽ chuyển qua xu hướng tích lũy trung hạn dạng sideway up hoặc flat patter.
Điểm cần chú ý, kịch bản này chỉ diễn ra khi chỉ số chưa thể vượt được ngưỡng cản 1.020 điểm, và giữ được mức đáy tháng 11-2023 là 1.120 điểm. Kịch bản này khá giống với giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 12-2019.
Ở kịch bản tích cực, TPS kỳ vọng VN Index giữ vững được sự vận động theo lý thuyết Elliott Wave và thành công vượt cản 1.250 điểm, để kéo dài mẫu hình 5 sóng tăng hướng tới mục tiêu xa hơn quanh mức 1.400 điểm, và hoàn thành sóng tăng lớn 1 tại đây.
Ngược lại, với kịch bản tiêu cực, thị trường sẽ có nhịp giảm sâu và phá vỡ vùng hỗ trợ quanh mức tâm lý 1.000 điểm. Khi đó, chỉ số có khả năng tiếp tục lao dốc, trước khi lực cầu thật sự trở lại đầy quyết liệt tại vùng đáy tháng 12-2022.
Ở kịch bản này, TPS kỳ vọng lực cầu bắt đáy sẽ một lần nữa giúp chỉ số thành công tạo đáy 2 quanh mức 900 điểm, để hình thành mẫu hình đảo chiều 2 đáy (Double Bottom) trước khi phục hồi trở lại.