Kích cầu hàng tồn

Những tín hiệu đáng mừng về mặt chính sách cho thị trường BĐS thời gian tới đang khiến những chủ đầu tư có hàng tồn kho đứng ngồi không yên bởi nếu không giải quyết được khối hàng tồn, không thể có vốn để đón đầu những cơ hội mới. Hàng loạt doanh nghiệp đang phải chạy đua khuyến mại để xả hàng cuối năm.

Những tín hiệu đáng mừng về mặt chính sách cho thị trường BĐS thời gian tới đang khiến những chủ đầu tư có hàng tồn kho đứng ngồi không yên bởi nếu không giải quyết được khối hàng tồn, không thể có vốn để đón đầu những cơ hội mới. Hàng loạt doanh nghiệp đang phải chạy đua khuyến mại để xả hàng cuối năm.

 

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết tính đến 15-12-2014, lượng BĐS tồn kho còn khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 20.569 tỷ đồng (giảm 21,8%) so với tháng 12-2013 và giảm 54.659 tỷ đồng (giảm 42,52%) so với đầu kỳ báo cáo vào quý I-2013.

Trong đó, khối lượng lớn là BĐS trung và cao cấp. Mặc dù đà giảm khá nhanh và khả quan nhưng thực tế cho thấy giải quyết hết lượng hàng tồn không dễ dàng trong bối cảnh Nhà nước không có chủ trương giải cứu. Đây là điểm mấu chốt khiến nhiều chủ đầu tư bắt buộc phải tự thân vận động trong việc kích cầu.

Ghi nhận trên thị trường từ nửa cuối năm 2014 cho thấy, nhiều dự án được liệt vào dạng tồn kho như CT1 Vân Canh, The Pride, Phúc Hà City Garden… đã được chủ đầu tư thay tên đổi họ, tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn như tặng gói nội thất, xe ô tô, hỗ trợ vay vốn hay liên tục thay đổi các đơn vị tiếp thị. Theo CBRE, trong năm 2014 Hà Nội có 16.200 căn hộ được chào bán ra thị trường, khoảng 10.700 căn được giao dịch thành công, đặc biệt phân khúc cao cấp ước tính khoảng 4.000 căn, giao dịch mạnh nhất trong quý VI-2014.

Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, từ năm 2010 đến nay thị trường phần lớn chào bán hàng tồn. Một phần do nguồn cung mới căn hộ trung, cao cấp hạn chế, một phần do nhiều chủ đầu tư tập trung các dự án sẵn có. Cụ thể, trong năm 2014, Đất Xanh Miền Bắc chủ yếu phân phối và bán ra thị trường sản phẩm thuộc các dự án đã hoặc sắp hoàn thành bàn giao, có vị trí tốt, tiến độ xây dựng đảm bảo ở hầu hết phân khúc.

Bên cạnh đó, việc NHNN trình Chính phủ gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành riêng cho phân khúc nhà ở thương mại trung và cao cấp với mục tiêu giảm bớt hàng tồn kho, theo nhiều chủ đầu tư, đây là giai đoạn tốt cần nắm bắt. Trên thực tế, thị trường đang chứng kiến một cuộc chạy đua ưu đãi để kích cầu của chủ đầu tư, trong đó, nhiều dự án đã có mức giảm giá “không tưởng” để cố gắng bán hết hàng. Đơn cử như 30 căn hộ cuối của dự án HHB Tân Tây Đô được chào bán với giá 12,6 triệu đồng/m2.

Green Life Tower chào bán 20% số căn hộ còn lại chỉ từ 21,5 triệu đồng/m2... Cùng với đó, nhiều dự án mới thuộc phân khúc căn hộ cao cấp cũng nhanh chóng bung hàng để đón chờ thời điểm thuận lợi sắp tới. Có thể kể đến Sun Square, Goldmark City, FLC Complex 36 Phạm Hùng, Home City Trung Kính, Tràng An Complex….

Nhận định của nhiều công ty tư vấn BĐS cho thấy dự báo quý 1-2015 thị trường sẽ ghi nhận sự bùng nổ của nguồn cung căn hộ cao cấp. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho phân khúc vốn đầy ứ nguồn cung này.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, BĐS ấm lại với những chính sách tích cực dành cho phân khúc trung và cao cấp có thể coi là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường. Điều này cũng có thể thấy rõ qua những khu chung cư cao cấp đã sáng đèn trở lại, không chỉ mua để đầu cơ như trước đây. Tuy nhiên, các dự án được liệt vào tồn kho cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, cụ thể là lấp đầy những lỗ hổng về hạ tầng mới có thể thu hút được khách mua.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cũng nhận định khách hàng hiện nay có xu hướng quan tâm đặc biệt đến BĐS đã xây xong, sẵn sàng bàn giao để có thể chuyển vào ở ngay. Họ không chỉ lựa chọn dựa trên chất lượng xây dựng mà còn quan tâm tới các yếu tố cảnh quan, tiện ích và cộng đồng xung quanh.

Các tin khác