Với nhiều doanh nhân, kinh doanh là để mang lại sự giàu có cho gia đình, cải thiện cuộc sống của mình và người thân. Nhưng với bà Chen Shu-chu, một tiểu thương ở Đài Loan, mục đích của việc kiếm tiền là để cho đi.
18 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần, bà Chen Shu-chu đứng ở chợ để bán các loại rau củ quả. Nhưng cho dù kiếm được bao nhiêu tiền, bà cũng không chi tiêu gì thêm cho mình mà dành hết để làm từ thiện. Trong 20 năm qua, bà Chen đã đóng góp hơn 10 triệu Đài tệ (7,34 tỷ đồng) để xây dựng một thư viện học đường và một chi nhánh bệnh viện. Bà cũng quyên góp cho các tổ chức từ thiện và Phật giáo tại địa phương.
Các khoản đóng góp được bà lấy từ tiền buôn bán ở chợ, tiền thừa kế từ người cha, tiền bản quyền từ một cuốn sách viết về bà và những giải thưởng đã nhận được. Đối với một số người, thật điên khùng khi cho đi hết tài sản và tiền bạc kiếm được. Nhưng bà Chen cho rằng điều đó không khó lắm. “Ai cũng có thể làm được, không chỉ mình tôi. Bạn kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng, quan trọng là cách bạn dùng tiền. Dù sao, tiền bạc khi sinh bạn không mang đến, khi chết chẳng thể mang đi” - bà Chen nói. “Tiền bạc chỉ có ích khi được dùng để cho những người cần nó”.
Là Phật tử, bà Chen theo chế độ ăn chay nghiêm ngặt với những bữa ăn đơn giản chỉ có cơm và đậu hũ. Bà cũng không quan tâm đến vật chất. Bà Chen cho biết từng có lần mua một bộ quần áo nhập khẩu, nhưng sau đó đã hối tiếc vì xài tiền phung phí. “Khi tôi mặc bộ đồ đó ra chợ, một khách hàng nói bà cũng có bộ đồ y như vậy và nói bộ đồ của tôi là hàng giả. Tôi chợt nhận ra rằng dù mình có ăn vận như thế nào thì vẫn chỉ là một bà bán rau” - bà Chen kể.
Bà Chen cho biết trong suốt thời niên thiếu và thanh xuân bà phải sống trong nghèo khổ. Chính vì thế bà cảm thông hơn với những mảnh đời cơ cực. Khi bà học tiểu học, mẹ bà chết vì sinh khó nhưng gia đình không có tiền đi bệnh viện. Để phụ giúp gia đình, bà nghỉ học và bắt đầu phụ giúp bán rau quả cho gia đình ở chợ Taitung. 1 năm sau, em trai bà chết vì bệnh cúm và cũng vì gia đình không đủ tiền mua thuốc. Những bi kịch đó càng thôi thúc bà phải chia sẻ nhiều hơn với những người xung quanh.
Bà cho biết không bao giờ quên được lòng tốt của thầy giáo và bạn học của em trai mình, những người đã quyên góp tiền để giúp đỡ em bà. “Tôi thấy mình nợ người ta nhiều lắm. Tôi tự nhủ phải kiếm được nhiều tiền để giúp đỡ người khác và tôi rất hạnh phúc sau khi đóng góp tiền bạc cho người nghèo” - bà Chen nói.
Bà Chen Shu-chu tại quầy bán rau. |
Daniel Lu, Giám đốc tổ chức từ thiện Kids Alive International, nói bà Chen đã đánh đổ quan điểm phổ biến rằng phải giàu có mới làm từ thiện được. “Bà ấy chỉ là người bán rau, sống có một mình. Rõ ràng cuộc sống của bà chẳng dễ dàng gì. Vậy mà bà mang đến quyên góp cho quỹ của chúng tôi 1 triệu Đài tệ (690,2 triệu đồng)! Nói tôi hãy dùng số tiền đó để giúp đỡ bọn trẻ” - ông Lu nói. Lòng tốt của bà Chen nhanh chóng được nhiều người chú ý.
Các nhà chức trách địa phương tặng bà danh hiệu “Tấm gương từ thiện”. Không chỉ vậy, bà được tạp chí Time bình chọn vào danh sách top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010. Tờ Reader's Digest chọn bà là “Người châu Á của năm” và hãng Forbes Asia đưa bà vào danh sách 48 anh hùng từ thiện. Cách nay 2 năm, bà là 1 trong 6 người nhận giải Magsaysay Award vì giúp đỡ người nghèo và được thưởng 50.000USD. Tất cả tiền thưởng nhận được bà đều ủng hộ cho Bệnh viện Taitung's McKay Memorial Hospital.