Trong bối cảnh các công nghệ mới phát triển ngày càng nhanh trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều hiện tượng kinh tế xã hội mới xuất hiện, điển hình là trên thị trường vận chuyển.
Với sự xuất hiện của các công nghệ như Uber/Grab, loại hình xe hợp đồng điện tử đã tham gia tích cực và làm thay đổi môi trường hoạt động cũng như phúc lợi của xã hội.
Tuy nhiên, tại các thành phố lớn của Việt Nam, đang xuất hiện xu thế đưa ra các quy hoạch hay chính sách mang tính phản ứng đối với các hiện tượng mới này. Cụ thể là quan điểm hạn chế số lượng (cấp hạn ngạch) đối với xe hợp đồng điện tử để giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và ngăn chặn gián đoạn ngành taxi truyền thống.
Tại cuộc tọa đàm khoa học "Chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số" diễn ra sáng nay (8/9) tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát thuế của xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab là dễ dàng vì rất minh bạch. Trong khi đó, taxi truyền thống nộp thuế theo kỳ hạn, có khi chậm, nợ...