Kinh doanh qua mạng xã hội

Hơn 30% dân số Việt Nam sử dụng internet, trong đó có tới 87% người tham gia các mạng xã hội. Những con số hấp dẫn này liệu có khiến quảng cáo trên các mạng xã hội Việt Nam bùng nổ vào năm tới?

Hơn 30% dân số Việt Nam sử dụng internet, trong đó có tới 87% người tham gia các mạng xã hội. Những con số hấp dẫn này liệu có khiến quảng cáo trên các mạng xã hội Việt Nam bùng nổ vào năm tới?

Với đặc thù kiểu kinh doanh theo “mua chung”, ngay từ khi ra đời Công ty TNHH Nhóm mua (chủ sở hữu website nhommua.com) đã chọn hình thức quảng cáo chủ yếu là trực tuyến, trong đó có mạng xã hội Facebook - đang thu hút nhiều tên tuổi lớn trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên thế giới tham gia quảng cáo trực tuyến.

Hiện nay, việc sử dụng Facebook như một kênh quảng cáo đã được một số DN lớn trong nước như ACB, Vietnammobile, Cửu Long Jewellery… khai thác. Ông David Trần, Giám đốc Nhóm mua, cho biết hầu hết DN kinh doanh theo hình thức “mua chung” đều sử dụng quảng cáo trực tuyến, nhất là thông qua các mạng xã hội.

Lý do đầu tiên DN chọn các mạng xã hội lớn là số thành viên đông, tính phổ biến cao. Cùng với chi phí hợp lý, sức lan tỏa nhanh chóng chính là một ưu thế của mạng xã hội so với các kênh truyền thông khác. Ngoài ra, theo nghiên cứu của AC Neilson, lượng người mua hàng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, chịu ảnh hưởng nhiều bởi quảng cáo trực tuyến trên các mạng xã hội (chiếm 69% so với bình quân thế giới 52%) là một trong những nguyên nhân thu hút sự quan tâm của một bộ phận DN Việt Nam.

Tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy là số lượng DN trong nước tận dụng các mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, dịch vụ còn rất ít. Hiện chỉ có 0,4% DN Việt Nam quảng cáo trên Facebook (khoảng 2.000 DN); 0,07% dùng Youtube; 0,2% còn lại tham gia trên các mạng xã hội khác, trong đó có mạng xã hội Việt Nam như YuMe.

Hiện nay, ngay cả nhà khổng lồ Facebook cũng đã tính đến việc bán hàng ảo cho game để tăng doanh thu, không còn trông cậy nhiều vào nguồn quảng cáo đang có chiều hướng giảm dần. Đi theo hướng này, chủ đầu tư các mạng xã hội Việt Nam sau một thời gian bỏ vốn lớn nhưng chỉ “nhặt bạc cắc” đang phải xoay trở đủ cách để tồn tại.

Bên cạnh hình thức bán hàng ảo phục vụ trò chơi trực tuyến, các mạng xã hội trong nước còn triển khai nhiều hình thức làm mới mình để thu hút người dùng. Ông Paul Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Công ty VON - chủ quản mạng xã hội YuMe, cho rằng do có nhiều mạng xã hội na ná nhau nên người dùng sẽ giảm bớt tham gia cùng lúc nhiều mạng và chỉ chọn mạng đông thành viên hoặc có nét khác biệt.

Một hướng đi khác của các nhà đầu tư là tham gia thị trường mạng xã hội trên điện thoại di động. Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2010, Việt Nam có hơn 124 triệu thuê bao điện thoại di động. Đây là thị trường được các chuyên gia đánh giá còn khá màu mỡ.

Có một thực tế ở môi trường web trên máy tính cá nhân, người dùng đã quen thụ hưởng các giá trị miễn phí và nhà cung cấp chủ yếu thu tiền từ quảng cáo. Trong khi đó, trên môi trường thiết bị di động, người dùng sẵn sàng trả tiền để sử dụng nội dung số chất lượng cao.

Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Phần mềm Trò chơi VINA (VNG) - phụ trách mạng xã hội Zing Me, cho hay phiên bản trên điện thoại di động đang được khách hàng đón nhận khá nhiệt tình. Số lượng thành viên truy cập qua điện thoại tăng nhanh chóng. Ông Khải nhận định đây là một trong những kênh nhiều tiềm năng và mang về doanh thu lớn trong tương lai.

Các tin khác