Kinh doanh trên sàn và nỗi lo của doanh nghiệp chân chính

(ĐTTCO) - Mức tăng trưởng doanh thu khủng của 5 sàn thương mại điện tử lớn cho thấy việc kinh doanh trên sàn là bước đi tất yếu của cả doanh nghiệp và các cá nhân. Thế nhưng khi sân chơi ngày càng đông, áp lực bủa vây ngày càng lớn.
TMĐT đang là xu hướng tất yếu, nhưng cũng là nỗi khổ cho người bán hàng thật vì thật giả lẫn lộn.
TMĐT đang là xu hướng tất yếu, nhưng cũng là nỗi khổ cho người bán hàng thật vì thật giả lẫn lộn.

Ai rồi cũng lên sàn

Nói về kinh doanh của DN trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (chuyên sản phẩm cà phê nông sản MeetMore), cho biết bán hàng online, cụ thể là đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), là bước đi tất yếu của MeetMore.

Hiện DN dành nhiều ưu tiên bán hàng thông qua hình thức livestream trên Tiktok Shop hơn các sàn TMĐT khác, bởi Tiktok Shop hiện có lực hút lớn người tiêu dùng thông qua nền tảng shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí). Lựa chọn kinh doanh trên sàn giờ đây đang trở thành hướng đi của nhiều cá nhân và DN thậm chí các sở ngành tại nhiều địa phương còn hỗ trợ DN đưa hàng lên sàn.

Đơn cử, giữa tháng 8 vừa qua, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp TPHCM và Công ty TNHH Tiki (sàn TMĐT Tiki), đã ký kết hợp tác xây dựng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”.

Hợp tác này hướng đến mục tiêu tạo môi trường, cơ chế, hệ thống, công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các DN, hợp tác xã, chủ thể OCOP tại TPHCM và các tỉnh/thành có liên kết với TP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng cả nước thông qua sàn TMĐT.

Chính sự tham gia ngày càng đông của người bán, cùng với nỗ lực thu hút người mua, đã mang đến những kết quả tăng trưởng mạnh cho các sàn TMĐT, nhất là trong những tháng gần đây.

Theo báo cáo thị trường TMĐT quý III của Metric, 5 sàn TMĐT lớn nhất là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop có doanh thu từ ngày 1-7 đến 30-9 lên đến 63.000 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với cùng kỳ 2022 và tăng 22,66% so với quý II.

Báo cáo của Metric cho thấy 9 tháng năm nay tổng doanh thu trên các sàn TMĐT đạt 163.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ 2022 (trong đó sàn Tiktok Shop đóng góp 25.000 tỷ đồng). Dự báo trong quý IV, doanh thu trên 5 sàn sẽ đạt 90.000 tỷ đồng với trên 850 triệu sản phẩm được bán ra.

Nhưng cũng áp lực cho người bán

Ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết, doanh thu từ việc kinh doanh trên sàn TMĐT hiện nay khá tốt, nhưng lợi nhuận lại không bao nhiêu, thậm chí nếu không khéo tính toán có khi lỗ. Thoạt nhìn kinh doanh trên sàn sẽ bớt được nhiều chi phí vận hành các cửa hàng, nhưng càng làm càng thấy mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Ngoài chi phí phải trả cho các sàn, khoản phí không nhỏ DN cũng như người kinh doanh phải tính toán là chi phí khi giảm giá, khuyến mại. Mỗi khi các sàn tung ra các chương trình Flash sale (giảm giá đặc biệt), nếu muốn được xuất hiện ở vị trí tốt DN phải có chương trình giảm giá khủng theo.

“Kinh doanh trên sàn DN phải có chiến lược giá và điều tiết các chương trình khuyến mại, giảm giá thực sự phù hợp” - ông Luận chia sẻ.

Nói về áp lực cạnh tranh khi kinh doanh trên các sàn TMĐT hiện nay, chị Phương Anh (quận 12, TPHCM), một người chuyên bán các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của Nhật Bản, gói gọn trong 2 từ “khốc liệt”.

Đó là sức ép ngày càng lớn khi các sàn gia tăng phí. Nhưng áp lực lớn nhất là cuộc đua về giá, bởi không giảm giá sẽ khó bán được hàng, còn giảm nhiều thì lỗ. Và đây chính là nguồn cơn của những cuộc đổ bộ vô tội vạ của hàng giả, nhái, kém chất lượng trên các sàn TMĐT hiện nay.

“Hầu như không có mặt hàng nào không thể làm giả, thậm chí hàng hết date cũng được sửa lại bán cho người tiêu dùng. Khi bán những mặt hàng này người bán giảm giá vô tội vạ, đánh trúng vào tâm lý của người mua” - chị Phương Anh chia sẻ.

Giám đốc một DN dệt may cũng thừa nhận, sản phẩm của DN lên sàn TMĐT, nhất là Tiktok Shop, không thể cạnh tranh lại về giá, đặc biệt là giá những mặt hàng được nhập về từ “công xưởng” Trung Quốc. Ngoài chi phí trả cho sàn, chi phí chạy quảng cáo cũng là con số không nhỏ.

Sự khốc liệt trong cạnh tranh của các sàn TMĐT đã khiến không ít người kinh doanh phải rút lui. Báo cáo của Metric về thị trường TMĐT quý III bên cạnh việc nói lên tốc độ tăng trưởng nhanh của thị trường, cũng đưa ra con số đáng chú ý về việc rút lui khỏi các sàn.

Cụ thể, quý III tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh số lượng nhà bán với hơn 49.500 gian hàng dừng hoạt động trên sàn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bỏ ngỏ chất lượng?

Trở lại câu chuyện với chị Phương Anh, được biết các sàn TMĐT bên cạnh những yêu cầu về sản phẩm bán trên sàn phải là hàng đảm bảo chất lượng. Theo đó, nếu người tiêu dùng báo cáo sản phẩm giả mạo, kém chất lượng với những bằng chứng cụ thể, sàn có thể “thẳng tay” khóa tài khoản.

Thế nhưng, làm sao có thể kiểm tra hết được hàng triệu sản phẩm bán trên sàn có đúng là hàng thật, chất lượng hay không? Người bán bằng nhiều thủ thuật đơn giản vẫn có thể tìm ra cách bán sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng qua mặt nền tảng.

Còn về phía người mua chia thành 2 nhóm. Nhóm không biết sản phẩm đó bị giả nhái hay hàng hết hạn để báo cáo với chủ sàn. Nhóm còn lại biết hàng giả, nhái nhưng vẫn mua, chủ yếu là những mặt hàng giày dép, túi xách, quần áo giả các thương hiệu nổi tiếng.

Những nguyên nhân này khiến câu chuyện hàng giả, nhái, kém chất lượng trên các sàn TMĐT nhức nhối từ lâu, nhưng rồi đâu vẫn vào đó và chưa biết khi nào mới tìm được lời giải.

Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm an ninh mạng Athena đánh giá hàng giả, kém chất lượng hiện được bán quá nhiều trên các sàn TMĐT. Theo tìm hiểu của Athena, có những tổ chức mở hàng loạt cửa hàng trên các sàn TMĐT, cửa hàng này bị đóng có cửa hàng khác thay thế ngay.

Nguyên nhân là do việc kiểm soát của các sàn TMĐT chưa chặt và các chế tài pháp luật lại chưa đủ mạnh. Việc tràn lan hàng giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà lâu dài nhiều tổ chức quốc tế có thể đánh giá chỉ số tín nhiệm TMĐT Việt Nam thấp, khi ấy hàng Việt có thể bị chặn giao dịch ở các sàn TMĐT quốc tế lớn.

Hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT gây thiệt hại đáng kể đến nguồn thu thuế của Nhà nước. Người bán không trung thực thường trốn thuế, trốn thu nhập và không tuân thủ đúng quy định về thuế.

Các tin khác