Kinh tế 9 tháng đang trong xu thế cải thiện

(ĐTTCO)-Dù tăng trưởng GDP quý 3/2023 không cao như kỳ vọng, song tốt hơn đáng kể so với quý 1/2023 và quý 2/2023 và vẫn đang trong xu hướng dần cải thiện...
Kinh tế 9 tháng đang trong xu thế cải thiện

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Tổng cục Thống kê cho rằng quý 4/2023 sẽ rất thách thức, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng GDP quý 3/2023 vẫn đang trong xu hướng dần cải thiện với mức tăng 5,33%, cao nhất so với 2 quý đầu năm (quý 1/2023 tăng 3,28%, quý 2/2023 tăng 4,05%). Theo đó, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 4,24%.

Nền kinh tế có nhiều điểm sáng

Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quý 3/2023 cũng như 9 tháng tiếp tục có sự góp mặt của ngành nông, lâm, thủy sản với tốc độ tăng nhẹ. Trong đó, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản tăng mạnh như rau quả (tăng 71,8%), hạt điều (tăng 14,3%), gạo (tăng 40,4% so cùng kỳ). Điều này cho thấy khu vực 1 tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế đang tích cực đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa gặt hái được nhiều kết quả tích cực tạo nên tăng trưởng ổn định trong thời gian qua.

Ngành công nghiệp có sự phục hồi khá tốt trong quý 3/2023 với mức tăng trưởng đạt 4,57%, tính chung 9 tháng đạt 1,65%; trong đó, đáng kể là hoạt động sản xuất và phân phối điện tăng gần 6% trong quý 3/2023 và 2,9% trong 9 tháng đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ điện trong sản xuất và đời sống dân cư; hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61% trong quý 3/2023 và 1,98% trong 9 tháng, bước qua mức tăng âm 0,49% của quý 1 và vượt trên mức tăng trưởng 0,6% của quý 2. Đây là tín hiệu tốt của khu vực sản xuất cho những tháng cuối năm.

Ngoài ra, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 trong tháng 8/2023 sau 5 tháng giảm liên tiếp (dưới 50). Theo nhận định của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo, 67,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3/2023 so với quý 2/2023 tốt hơn và 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý 4/2023 so với quý 3/2023 tốt hơn.

Một số ngành dịch vụ thị trường trong quý 3 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định kể từ đầu năm như: dịch vụ bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng trên 8%; vận tải kho bãi tăng trên 9,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống trên 8,7%. Tính chung 9 tháng các ngành này vẫn tăng trưởng rất tốt, là điểm sáng của khu vực dịch vụ trong năm 2023.

Nhìn từ phía cầu, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 2.260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2022 và cải thiện ở cả 3 khu vực.

Cán cân thương mại 9 tháng năm 2023 ước tính thặng dư trên 21 tỷ USD. Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu dương trở lại sau nhiều tháng sụt giảm.

Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình mặc dù không sôi động như thời kỳ trước dịch Covid-19 nhưng cơ bản vẫn đảm bảo mức tăng ổn định do quý 3/2023 có nhiều hoạt động, sự kiện mà người dân có nhu cầu tăng tiêu dùng như mùa du lịch, khai giảng năm học mới, tết Trung Thu…

Vẫn còn những khó khăn

Dù tình hình quý 3/2023 được đánh giá là tích cực, song tốc độ tăng trưởng quý 3/2023 chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011- 2023. Với tốc độ tăng trưởng đạt được trong quý 3/2023, GDP 9 tháng tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, cũng chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, một số khó khăn, thách thức đã kìm hãm tăng trưởng của 9 tháng đầu năm 2023 khiến tăng trưởng GDP không cao như kỳ vọng.

Đó là cầu thế giới phục hồi yếu; lạm phát vẫn ở mức cao; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định đều dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút. Động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện so với 6 tháng đầu năm nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng; thị trường xuất khẩu thu hẹp… Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm. Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn…

Đẩy nhanh đầu tư công để tăng động lực tăng trưởng những tháng cuối năm.

Điều đáng nói, những khó khăn này sẽ tiếp tục “bủa vây” khu vực doanh nghiệp trong những tháng cuối năm khi xu hướng phục hồi diễn ra chậm trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động phức tạp và tình hình trong nước vẫn khó khăn.

“Kết quả tăng trưởng quý 3/2023 và 9 tháng đầu năm tiếp tục đặt áp lực lên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Tổng cục Thống kê cho rằng quý 4/2023 sẽ rất thách thức, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Cùng với các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm thuế, hoãn thuế… cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất – kinh doanh.

Với những chỉ đạo quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công từ Chính phủ kể từ đầu năm tới nay, vốn từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) thực hiện quý 3/2023 ước đạt gần 183,0 nghìn tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm, tăng 30,1% so với quý 2/2023 và tăng 27,3% cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, vốn từ ngân sách nhà nước ước đạt gần 415,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm và tăng 23,5% cùng kỳ năm trước.

Khối lượng thực hiện đầu tư công 9 tháng cũng đạt gần 415,5 nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình ngay từ các tháng đầu năm, đặc biệt trong quý 3, nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 3, 9 tháng đầu năm và cả năm 2023.

Do vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng quý còn lại cuối cùng của năm 2023 cần tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giải ngân khoảng 40% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 để đạt được mục tiêu đề ra...

Các tin khác