Kinh tế biển miền Trung (B1): Đi lên từ những đội tàu

Chiến lược biển đến năm 2020 đặt mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển. Trong đó, có ngành đánh bắt, chế biến hải sản. Để từng bước hiện thực hóa chiến lược này, công tác hiện đại hóa đội tàu cá với công suất lớn đang được tích cực triển khai ở các địa phương miền Trung cũng như cả nước.

Chiến lược biển đến năm 2020 đặt mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển. Trong đó, có ngành đánh bắt, chế biến hải sản. Để từng bước hiện thực hóa chiến lược này, công tác hiện đại hóa đội tàu cá với công suất lớn đang được tích cực triển khai ở các địa phương miền Trung cũng như cả nước.

Từ tàu gỗ lớn

Duyên hải miền Trung địa phương nào cũng giáp biển. Xác định kinh tế biển là một trong những mũi nhọn để khai thác, nâng cao nguồn thu, đời sống ngư dân và tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, những năm gần đây, bằng nội lực cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, ngành thủy sản đã từng bước hiện đại hóa, nâng cấp, cải hoán và đóng mới nhiều tàu công suất lớn để vươn khơi xa bám biển dài ngày.

Hàng loạt tàu công suất lớn từ 500CV đến trên 1.000CV với số vốn hàng chục tỷ đồng đã được đóng mới. Những ngư dân trẻ khát vọng làm giàu từ biển với chiến lược kinh doanh rõ ràng, hiệu quả ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Để nâng cao hiệu quả nghề khai thác, ngành nông nghiệp đã đề xuất Chính phủ trang bị các máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị đối với tàu cá xa bờ; hỗ trợ đóng mới tàu cá vỏ gỗ, thép, vật liệu mới; đẩy mạnh hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác và bảo quản thủy sản; chuyển giao các công nghệ khai thác hải sản tiên tiến cho cộng đồng ngư dân.

TS. Phan Huy Thông,
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Tháng 5 vừa qua, tại CTCP Ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy (âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), đông đảo bạn tàu đã háo hức vui mừng chứng kiến gia đình ông Nguyễn Sương chỉ trong vòng 1 tuần hạ thủy 3 tàu cá ĐNa 90603, công suất 1.150CV, vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng; tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ĐNa 98001 công suất 450CV, trị giá 3,2 tỷ đồng, chở được 70 tấn hàng; tàu cá ĐNa 90604 công suất 1.150CV, trị giá 5,3 tỷ đồng.

Trong đó, tàu dịch vụ hậu cần đóng vai trò tiếp tế và thu mua hải sản cho các ngư dân cũng như vận chuyển sản phẩm về đất liền để các tàu đánh bắt được dài ngày. Ở Đà Nẵng, chuyện các ngư dân đóng tàu mới không phải hiếm. Từ năm 2011, ngư dân Trần Văn Mười đã hạ thủy con tàu câu mực (lớn nhất miền Trung thời điểm hiện tại), công suất gần 1.000CV.

Anh Mười cho biết tàu có 40-45 lao động có thể đi biển với thời gian 2-3 tháng/chuyến. “Năm nào mực giá cao, tàu có lãi hơn 1,5-2 tỷ đồng, còn mực giá thấp ít nhất cũng lãi 1 tỷ đồng”.

Bên cạnh những tàu vỏ gỗ công suất lớn của ngư dân tự xoay sở kinh phí đóng mới, những chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên được đóng mới theo Nghị định 67 cũng được hạ thủy, bổ sung vào đội tàu đánh bắt xa bờ các tỉnh miền Trung. Mở đầu là chiếc tàu vỏ gỗ 700CV, số hiệu TTH-91667 của ngư dân Phan Văn Chinh (47 tuổi), thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế).

Khó nói hết nỗi vui mừng của ông Chinh bởi suốt 20 năm gắn bó với nghề khai thác hải sản trên biển, ước mơ có được chiếc tàu có công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi đánh bắt xa bờ đã thành hiện thực nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tàu mới, lại được lắp đặt hệ thống đèn led tiết kiệm năng lượng 80% so với loại bình thường; đồng thời dùng tản nhiệt bằng nước biển thay vì dùng tản nhiệt bằng nhôm, nên không chỉ tăng công suất đánh bắt mà còn bền, lâu hư hỏng hơn.

Đến tàu vỏ thép

Ở Đà Nẵng, ngư dân tiên phong được giao tàu vỏ thép, mã lực lớn là anh Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) với tàu ĐNa 90444 làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Con tàu đã mang lại niềm vui không chỉ cho chủ nhân mà còn với ngư dân đang hoạt động đánh bắt trên biển. Bởi mỗi chuyến ra khơi, tàu ĐNa 90444 đã chở ra biển hàng ngàn cây đá, hàng ngàn lít dầu cùng với lương thực, thực phẩm để cung cấp cho ngư dân, đồng thời chở về đất liền 15-25 tấn hải sản đánh bắt được.

“Đóng tàu hậu cần vươn khơi, chưa nói đến lợi nhuận của tàu, nhưng cái lợi nhìn thấy rõ nhất là cho ngư dân. Bởi không ít ngư dân nhờ tàu hậu cần đã bán hải sản ngay trên biển, không phải mất công chở vào đất liền vừa tốn phí, vừa mất chuyến biển” - anh Sang cho biết.  

Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, từ tàu cá vỏ thép đầu tiên mang tên Hoàng Anh 01, công suất gần 900CV được trang bị radar, máy định vị GPS, máy thu phát VHF, phao vô tuyến chỉ báo sự cố, la bàn từ, các loại phao cứu sinh, thiết bị cứu hỏa, cấp cứu và máy dò cá tầm quét 3.000m... với tổng giá trị khoảng 8,5 tỷ đồng được giao cho ngư dân Mai Thành Văn (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn), đến cuối tháng 6, địa phương này đã có thêm 2 tàu cá vỏ thép hiện đại số hiệu QNg 94359 và QNg 95868 được bàn giao cho ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt (xã Bình Chánh) và ngư dân Huỳnh Luận (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ).

Mỗi tàu có trị giá khoảng 8,7 tỷ đồng. Ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt vui mừng cho biết: “Đây là ước mơ ngàn đời nay của chúng tôi. Có được tàu vỏ thép hiện đại, tin rằng việc làm ăn sẽ thuận lợi và có thu nhập cao”. 2 tàu cá này cũng được trang bị  hệ thống định vị vệ tinh GPRS cùng hàng loạt trang thiết bị, ngư cụ khác. Tiếp theo những con tàu vỏ thép hiện hữu, hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung đã được khởi công, đóng mới thời gian gần đây.

Đóng mới tàu thuyền từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67.

Đóng mới tàu thuyền từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67.

Tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh, 3 tàu vỏ thép của 3 ngư dân Nguyễn Đậu, Nguyễn Việt Hằng, Nguyễn Chì (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đang được tiến hành đóng mới. Đây là 3 ngư dân đầu tiên trong số 37 ngư dân đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá khai thác thủy sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo Nghị định 67. Tổng trị giá cho 3 chiếc tàu này gần 15 tỷ đồng.

Trong vòng 120 ngày, công ty sẽ hoàn thành và bàn giao tàu cá cho ngư dân. Tại Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Tổng công ty Sông Thu, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) cũng đã khởi công đóng mới 2 tàu cá vỏ thép đầu tiên cho ngư dân Quảng Nam là Phan Thu và Trần Công Chi (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình). Không dừng lại ở đó, 4 tàu cá vỏ thép khác của ngư dân Quảng Nam hành nghề lưới rê mang tên Trà Đông 03, Trà Đông 04, Trà Đông 05 và Trà Đông 06 của chủ tàu Đỗ Văn Thành, Đỗ Văn Tiến, Trần Đậu và Phạm Hiên ở xã Duy Vinh, Huyện Duy Xuyên  cũng đang được CTCP Công nghiệp tàu thủy Đông Á (Hải Phòng) đóng mới.

Theo Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, tính từ năm 2012 đến hết quý II-2015, có khoảng 15 tàu công suất 750-1.200CV được đóng mới, hạ thủy. Tại Quảng Ngãi, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, cho biết: “Để tạo điều kiện cho ngư dân trong tỉnh có điều kiện bám ngư trường dài ngày, từ nguồn vốn huy động và đóng góp của các tổ chức và cá nhân, các nhà hảo tâm trong cả nước, thời gian tới sẽ có thêm nhiều trường hợp được hỗ trợ để đóng mới tàu thuyền, vươn khơi bám biển”.

----------------

Bài 2: Cần trung tâm hậu cần nghề cá

Các tin khác