Kinh tế thế giới tuần qua

Nóng nhất tuần qua có lẽ là xung đột ở Ukraine, khiến chứng khoán toàn cầu lao dốc mạnh. Những chuyển động của chứng khoán sau đó cũng bám sát các diễn biến ở Ukraine. Ngoài ra, có những tin tức đáng chú ý khác như Trung Quốc khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên, Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới…

Nóng nhất tuần qua có lẽ là xung đột ở Ukraine, khiến chứng khoán toàn cầu lao dốc mạnh. Những chuyển động của chứng khoán sau đó cũng bám sát các diễn biến ở Ukraine. Ngoài ra, có những tin tức đáng chú ý khác như Trung Quốc khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên, Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới…

Chứng khoán toàn cầu hôm 3-3 đã lao dốc mạnh sau khi Nga can thiệp vào Ukraine, sau đó phục hồi trở lại khi tình hình có vẻ không leo thang thành xung đột lớn hơn. Đồng rúp của Nga đã rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với USD, khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải nâng lãi suất lên 7% từ mức 5,5%.

Cho đến nay, đồng rúp đã mất giá 10% so với hồi đầu năm, làm thổi bùng quan ngại lạm phát phi mã ở nền kinh tế vốn đã yếu ớt của Nga. Liên quan đến xung đột ở Ukraine, nhà khổng lồ dầu mỏ Nga Gazprom cuối tuần trước cảnh báo có thể cắt cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu các nhà cầm quyền mới ở Kiev không trả hết khoản nợ 1,89 tỷ USD. Năm 2009, Gazprom từng cắt cung cấp khi đốt cho Ukraine, khiến cả EU cũng bị ảnh hưởng.

Thứ tư tuần trước (5-3), Trung Quốc khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên kéo dài 10 ngày. Tại đó, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm nay, đồng thời tuyên bố sẽ đẩy mạnh cải tổ trên mọi mặt, “khai chiến” với nạn ô nhiễm môi trường và tham nhũng. Tại cuộc họp, Bắc Kinh cũng công bố kế hoạch về đầu tư công, theo đó sẽ tăng đầu tư tài sản cứng 17,5% trong năm nay, mức thấp nhất 12 năm.

Sự thay đổi này được đánh giá tích cực như quyết tâm muốn tái cân bằng nền kinh tế của Trung Quốc, vốn phụ thuộc nặng vào đầu tư công. Năm ngoái, đầu tư công chiếm 1/2 GDP của Trung Quốc. Nước này còn chứng kiến thâm hụt mậu dịch lên tới 22,98 tỷ USD trong tháng 2 so với 14,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Trụ sở Sony ở Tokyo.

Trụ sở Sony ở Tokyo.

Chính phủ Australia thông báo muốn bỏ quy định trần sở hữu nước ngoài đối với Qantas, hãng hàng không lớn nhất nước, hiện ở mức 49%. Thủ tướng Tony Abbott nói hãng này sẽ tự do hơn trong cạnh tranh nếu không bị những kiềm chế của chính phủ.

Qantas gần đây báo cáo mức thua lỗ 224 triệu USD trong nửa cuối năm 2013 và tuyên bố sa thải 5.000 việc làm. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản cho biết đang soạn thảo những quy định để luật hóa tiền ảo Bitcoin và đánh thuế giao dịch đối với đồng tiền này, theo sau sự sụp đổ của sàn giao dịch Mt.Gox có trụ sở ở Tokyo.

Cũng tại Nhật Bản, nhà khổng lồ điện tử Sony cho biết sẽ bán bất động sản hãng đã dùng làm trụ sở ở Tokyo trong suốt 60 năm qua để tìm kiếm thêm nguồn lực nhằm tái cấu trúc công ty. Công ty cho biết sẽ bán bất động sản trên cho Sumitomo Realty and Development với giá 157 triệu USD, thương vụ sẽ hoàn tất vào tháng tới.

Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đình chỉ nhiều nhân viên trong khi tiến hành đánh giá nội bộ về cáo buộc các quan chức BOE đã phớt lờ các sai sót được báo cáo ở thị trường ngoại hối. Cho đến nay, BOE cho biết chưa tìm thấy bằng chứng về các sai phạm, nhưng tạm đình chỉ các nhân viên để tiện cho việc điều tra.

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới. Theo đó, “phù thủy” Bill Gates lấy lại danh hiệu người giàu nhất thế giới sau 4 năm bị đánh rớt, với tài sản ròng trị giá 76 tỷ USD. Tỷ phú người Mexico Carlos Slim bị tuột xuống vị trí thứ 2 với 72 tỷ USD.

Tỷ phú Facebook Mark Zuckerberg là người thăng hạng nhanh nhất, với vị trí thứ 21 và tài sản trị giá 28,5 tỷ USD. Tỷ phú Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, được Forbes liệt kê ở thứ 1.092 với tài sản 1,6 tỷ USD.

Các tin khác